Tuesday, December 23, 2014

CHỈ CHỪNG TRĂM BƯỚC NỮA


Hồi đó tôi hai mươi lăm tuổi , thất nghiệp và đói. Đã nhiều lần rồi tôi ở trong tình cảnh như vậy , tại Constantinople, tại Paris, tại Rome. Nhưng tại New York mà ngay cái không khí người ta thở cũng có cái vị hạnh vận thành công, mà thất nghiệp thì thật là tủi nhục quá.
Tôi hoàn toàn không biết xoay xở ra sao, điều đó chẳng có gì lạ. Tôi muốn kiếm ăn bằng ngòi bút nhưng không biết được tiếng Anh. Thành thử suốt ngày tôi lang thang ngoài phố, không phải vì thích thể thao đâu mà để bà chủ nhà khỏi bận mắt.
Một hôm, trên con đường 42, tôi đụng đầu với một người to lớn tóc hung hung. Tôi nhận ra liền: Féodor Chaliapine, kép hát Nga nổi tiếng. Hồi thiếu niên, tôi đã nhiều lần đứng nối đuôi mua giấy hạng bét để nghe ông ta hát ở rạp Đế quốc Hí viện Moscou. Hồi làm báo ở Paris, tôi có lần lại phỏng vấn ông ta. Tôi tưởng ông ta không nhận ra được, không ngờ nhận ra được.Ông ta hỏi tôi:
- Bận lắm không?
Tôi đáp lí nhí một câu mơ hồ. Có lẽ ông ta đoán được tình cảnh của tôi.
- Theo tôi về khách sạn tôi trọ ở góc đường Broadway và đường 103 nhé? Chúng mình cùng đi bộ.
 Lúc đó đã giữa trưa và tôi đã đi lang thang năm giờ rồi.
- Nhưng, ông Chaliapine ạ, từ đây tới đó năm sáu cây số lận.
Ông ta ngắt lời tôi:
- Điên nào ! Chưa đầy trăm thước !
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Trăm thước ?
- Thì vậy chứ sao? Tôi không nói là tới khách sạn, dĩ nhiên. Là tới gian bắn ở đại lộ 6 ấy.
Tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng cũng đi theo. Một lát chúng tôi tới trước gian hàng đó, đứng ngó hai chú lính thủy bắn vào một cái bia, đều đều, không biết bao nhiêu lần.
Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi. Ông Chaliapine vui vẻ bảo tôi:
- Bây giờ còn hơn một cây số nữa.
Tôi gật đầu. Một lát sau tới Carnegie Hall, ông Chaliapine bảo tôi ông ta thích nhìn vẻ mặt những người lại mua giấy nghe hòa nhạc ở Viện âm nhạc. Chúng tôi ngừng lại vài phút rồi tiếp tục đi. Lần này ông nhanh nhầu bảo:
- Chỉ còn tám trăm thước là tới vườn thú của công viên trung ương. ở đó có một con tinh tinh (gorille) giống một kép hát có giọng cao mà tôi quen.
Chúng tôi lại thăm con tinh tinh.
Cách đó một ngàn hai trăm thước, về tới đường Broadway, chúng tôi ngừng trước một tiệm tạp hóa. Trước cửa tiệm có bày một thùng dưa leo, Chaliapine trố mắt ra ngó dưa leo một lúc: bác sĩ cấm ông ta ăn dưa leo.
- Chà, coi ngon quá. Trông thấy mà nhớ tuổi trẻ của tôi.
Còn tôi, tôi tự hỏi sao chưa ngất ngư chứ, mà lại thấy khỏe mạnh hơn bao giờ nữa ?
Chúng tôi ngừng một lần cuối cùng nữa ở đường 90 để ngắm những hàng trái cây tại một chợ, trước một trạm xe điện mới sơn lại, góc đường 96, và sau cùng nó tới khách sạn.
Chaliapine cười, bảo tôi:
- Đường đâu có xa, phải không? Bây giờ tụi mình đi ăn.
Sau một bữa thịnh soạn, ông mới cho tôi hiểu tại sao bắt tôi đi bộ 6 cây số đó. Giọng ông nghiêm trang:
- Thầy sẽ không bao giờ quên lần đi bộ hôm nay đâu.Tôi đã cho thầy một bài học nhỏ đấy . Đừng bao giờ lo lắng, buồn rầu vì đích còn ở xa. Chỉ nghĩ tới cái gì ở cách ta một trăm thước thôi. Đừng lo ngại về một tương lai bấp bênh. Chỉ nghĩ tới những cái vui ngày hôm sau thôi, dù nó tầm thường tới mức nào đi nữa.
Nhiều năm đã trôi qua. ông Chaliapine đã qui tiên mà hầu hết những điểm làm mục tiêu trong lần đi bộ không sao quên được đó, hiện nay cũng không còn, cảnh vật đã biến thiên. Nhưng trong bao nhiêu năm đó, triết lý thực tế của ông đã giúp tôi được nhiều.
Nó đã giúp tôi khi tôi quyết định học tiếng Anh. Không khi nào tôi tự hỏi: "Phải học bao năm nữa mới viết được thứ tiếng đó”.
Trái lại tôi tự nhủ: "Hôm nay trên tờ Times có hai mươi tám tiếng mình chưa biết. Ngày mai sẽ còn không tới hai mươi tiếng".
Triết lý đó cũng giúp tôi giữ vững được tinh thần khi vì một sự lầm lỡ của các người hùn vốn, tôi buộc phải trả cho chủ nợ nửa số tiền mà tôi hy vọng kiếm được trong bốn năm sau. Nếu trong 208 tuần lễ đó, tôi cứ nghĩ bụng hoài rằng phải sống cực khổ thì chắc chắn tôi đã nản chí mà không kiếm được một đồng nào cả. Nhưng tôi chỉ tự nhủ; "Thứ hai, thứ tư và thứ sáu, mình sẽ làm cho mình” . Nghĩ vậy thì mọi sự thay đổi hết. Tôi trả được hết nợ mà kiếm được đủ sống, không đến nỗi thiếu thốn .
Qui tắc trăm bước của Chaliapine đó là một hoàng kim quy tắc. Ai cũng có thể theo mà thấy có lợi.
Có thể rằng cái đích ta nhắm còn xa thăm thẳm đấy, nhưng không đầy trăm bước là "tới đại lộ 6".
Như vậy cứ từng chặng,  từng chặng một, chúng ta chẳng những sẽ tới đích, mà trên đường còn được hưởng nhiều cái vui nữa.
  FREDERICK  VAN  RYN
(Sưu tầm từ Internet)
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
ĐỪNG QUÁ CĂNG THẲNG !
            Bạn đọc thân mến,
            Đọc xong câu chuyện trên, tôi liên tưởng ngay đến từ ngữ mà người ta thường dùng ngày nay,  nhất là trên báo chí, đó là hai tiếng : THƯ GIÃN.
            THƯ GIÃN là liều thuốc để chống lại căn bệnh của thời đại hôm nay, đó là STRESS ! Nếu bạn tìm tra cứu ý nghĩa của nó, bạn sẽ hiểu chung chung là một thứ “bệnh” do sức ép, hoặc sự lo lắng từ nhiều vấn đề của cuộc sống.  (pressure or worry caused by the problems in sb’s life. -  Things can easily go wrong when people are under stress. – to suffer from stress. – coping with stress …) Đó là tâm trạng căng thẳng.
            Để tránh lâm vào “tâm trạng căng thẳng”, bạn phải làm gì ?
1 / - NHỮNG BIỆN PHÁP TẠM THỜI :
            Trên những phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, như báo chí, truyền hình, truyền thanh, phim ảnh, ca nhạc, bao giờ cũng có những chương trình để khán giả, độc giả, thư giản. Những mẫu chuyện vui cười, những vai hề, những pha tấu hài vui nhộn…
            Ta cũng có thể tìm đến bạn bè tâm sự, hàn huyên.
            Chung vui với bằng hữu, người thân những chén trà, chén rượu…
            Thư giãn “cao cấp” hơn, thì đi du lịch đó đây, hay tìm niềm vui bên nghệ thuật…
            Lòng chúng ta sẽ tìm được những phút giây bình an, hay một khoảng thời gian thư thái, thanh thản.
2 / - BIỆN PHÁP HAY NHẤT VÀ DUY NHẤT : TÂM HỒN AN VUI.
            Nhưng những thứ “thư giãn” đó không giải quyết tận “căn”, tận “cội rễ” những vấn đề đè nặng tâm hồn bạn, nếu bạn không có một “phương pháp” làm việc thong thảtrầm tĩnh, biết “tận hưởng” niềm vui của việc làm một cách trân trọng và tự tin, đó chính là bạn đang vui sống. Không vui sống thì sống buồn”.
            Một cuộc sống buồn tẻ thì cuộc đời còn ý nghĩa gì ? Còn đáng sống sao ?
            PHƯƠNG PHÁP: Làm việc gì cũng có phương pháp, biết cách tổ chức phù hợp với thời gian, không gian, hoàn cảnh, và chính khả năng của bạn. Có những việc không thể làm một sớm một chiều. Có những việc không thể thực hiện được ở mọi nơi, mọi lúc. Có những việc không thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh, và có những việc không phải ai cũng làm được !
            Điều này quá hiển nhiên, không còn gì phải bàn cải ! Chỉ có điều là phải nhận định sao cho chính xác, điều ta suy nghĩ có đúng không ? Có chắc rằng bây giờ chưa phải là lúc làm công việc đó không ? Có chắc rằng nơi đây không phải là nơi ta thực hiện công việc đó không ? Có chắc rằng người đó không có khả năng làm được công việc đó không ? V.v…
            Khi đã kết luận rõ ràng rồi, thì sao bạn lại phải quá lo lắng chứ ?
            Nếu ta đã làm tất cả khả năng của mình, mà vẫn chưa có kết quả như ý, hẳn là việc ấy không phù hợp với ta thật, hoặc ta chưa gặp chữ “thời”, hay là “ý Trời” như vậy rồi. “Tận nhân lực, tri Thiên mệnh” mà ! Tất nhiên việc gì kết quả không được như ý thì lòng làm sao vui được ! Nhưng “buồn” là để “hiểu” những giới hạn mình đang gặp phải để “rút kinh nghiệm” cho bước đi mới, chứ không phải “buồn đến tê liệt” khả năng làm việc của chúng ta ! Phải biết xem nước mắt là “thầy dạy” chúng ta chứ đừng để nước mắt trở thành “tên khủng bố” hủy diệt sức sống đời ta !
            VUI SỐNG : Trong cuộc đời, cái gì hiếm, thì cái đó quý. Ai cũng đồng ý rằng “đời là bể khổ” ! Trong cái bể khổ “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” này, kiếp nhân sinh có được mấy nụ cười ? Nụ cười đó kéo dài được bao lâu ? Nụ cười nở tươi lên như một bông hoa rồi chợt tắt như nụ hoa sớm nở tối tàn, còn nước mắt hai hàng cứ tuôn tràn như dòng suối chảy quanh năm suốt tháng ! Thế, nụ cười chẳng phải hiếm lắm sao ? Sao ta không biết trân trọng nó, giữ gìn nó. Nếu ta cho người khác nụ cười mà lòng ta tan nát, nụ cười ấy không ngượng ngập sao ? Không giả tạo sao ? “Không ai cho cái mình không có !”
3 / - Ý CHÍNIỀM VUI.
            Ý chí và niềm vui tạo nên nghị lực. Bạn có ý chí, nhưng bạn thiếu niềm vui trong công việc bạn cũng khó đến đích điểm.
            Đứng trước con đường còn dài quá, bạn hãy chia làm nhiều đoạn đường ngắn, và dừng chân nghỉ ngơi trước khi bước vào đoạn đường mới. Còn nếu bạn nhất định đi tiếp, bạn quyết tâm như vậy là tốt rồi, nhưng khá căng thẳng, phải không ?
            Còn nếu bạn biết thư giãn trên từng đoạn đường đi, mỗi đoạn đường đều có những cái hay, cái lạ, cái đẹp của riêng nó. Bạn hãy tận hưởng những gì cuộc đời ban tặng bạn trên mỗi đoạn đường, lòng bạn vui hơn, và khi bạn tiếp tục cuộc hành trình, bạn sẽ có một câu hỏi thú vị tự động hiện ra trong đầu óc bạn : - Xem nào, trên đoạn đường này có gì hay, mới, lạ không ?
Hữu ngạn sông Tiền Giang, nối liền qua Hậu Giang. (Ảnh CĐTG).
            Vào những năm đầu thập niên 80, lúc ấy gia đình tôi gặp khó khăn về kinh tế. Cha tôi đau nhiều, mẹ bận rộn việc nhà, ba đứa em đều còn đi học. Một trong những “chuyến đi làm ăn” lúc đó là đi “bán thuốc rê” (thuốc lá còn dạng thô, không ướp thêm hương vị nào, người ta đóng thành từng “bành”, mỗi bành như vậy gọi là một “lang” thuốc, chừng 20 kg). Tôi chở thuốc trên chiếc ghe nhỏ chạy bằng máy Kohler 4, từ quê tôi chạy theo đường sông lớn (Tiền Giang qua Hậu Giang) trên 100 cây số, xuống tuốt miệt Cái Răng, Cần Thơ. Thiệt tình, tội nghiệp cái máy Kohler 4, chạy hết “công suất”, mà giữa sông nước mênh mông, nó chỉ như “rùa bò”, còn chủ nó… cái cảnh “thăm thẳm chiều trôi” ngán không sao tả nổi ! Nếu không “phân đoạn” con đường mình đi, thì chán nản và chắc bỏ cuộc rồi ! Lúc ấy tôi bảo với người cùng đi với mình : “Chỉ còn chừng 2 giờ nữa, mình sẽ tới Long Xuyên, 3 giờ nữa mình sẽ tới Thốt Nốt, chỉ chừng 2 giờ nữa mình sẽ tới Ô-môn...” Mỗi một trạm dừng chân đều được ngắm nhìn những cái đẹp, cái vui, mới lạ. Tôi trải qua những cảm xúc vui buồn lẫn lộn vì đang vừa đóng vai vừa thưởng thức một vỡ kịch đời sống động và hồi hộp vì đạo diễn không bao giờ cho biết đoạn kết.
            Một ly cà phê ở một quán ven sông. Một bữa ăn sáng ở quán “nhà bè”. Một ly nước dừa trên ghe và ngắm nhìn cảnh mua bán dập dìu đầy ghe xuồng ở chợ nổi trên sông… Những đêm neo ghe nhìn dòng sông tràn ngập ánh trăng và cảnh vật thật thanh bình êm ả. Những chiều đậu ghe bên cồn nơi miền thôn dã nào đó, lên bờ, thơ thẩn đi trong nắng hoàng hôn nhạt dần và ngắm nhìn tà dương chìm dần cuối chân trời … Cảnh đẹp tuyệt vời nhưng lòng nghe nhớ nhà kinh khủng ! Không hiểu sao lúc ấy “máu nhà tu” nổi dậy, tôi liên tưởng cảnh dân Do Thái bị lưu đầy, chợt tôi nhớ ba tôi đang bệnh ở nhà, tôi nhớ má tôi, nhớ các em, nhớ mái ấm bình yên ngày nào, nhớ thân phận mình lúc ấy đường tu đang tăm tối, tương lai thật bấp bênh… một dòng cảm xúc trào dâng hòa cùng nước mắt… Khi ấy, tôi lấy giấy bút viết vội dòng nhạc “Tôi nhớ quê hương”, nó chỉ là một “cuộc chơi” thôi, không có gì quí báu, nhưng nó cho tôi những giây phút “tìm quên” rất ý nghĩa và thú vị, tôi đã trân trọng gìn giữ nó như kỷ niệm của “một thời để…khóc”. (bạn có thể nghe bản nhạc này ở mục “nghe nhạc”, hoặc trong nhaccuatui.com). Và lúc ấy, tôi quên đi đoạn đường dài trước mắt.
            Bạn đọc thân mến !
            Chúa ban cho chúng ta cuộc sống là để chúng ta hạnh phúc.
            Sống thế nào để đời ta hạnh phúc là do sự lựa chọn của chúng ta, cách sống của chúng ta.
            Từng ngày, từng giờ, từng tháng, từng năm… trôi qua… là những bước đi của cuộc hành trình kiếp nhân sinh. Hãy đi với những bước đi hoan lạc ngập tràn bình an và hạnh phúc trong tâm hồn. Hãy nhận ra hạnh phúc bình dị trong cuộc sống đời thường chung quanh bạn. Nếu ngày nào bạn cũng chất vào tim bạn những buồn phiền, sầu hận, lo lắng… thì còn chỗ đâu để bạn chứa vào đó những niềm vui hạnh phúc hân hoan ?
            Đừng “để tâm” đến những gì làm hao mòn nghị lực của bạn, đừng ôm đồm tất cả mọi thứ trên đời này làm như thế giới chỉ có một mình bạn. Biết đồng hành và chia sẻ bạn sẽ khám phá ra nhiều vẻ đẹp của thế giới muôn màu. Chính vì bạn muốn “tom góp’ bạn mới lo lắng, còn bạn muốn “cho đi” thì bạn sẽ bình thản. Khi ta nằm xuống, ta không giữ được những gì ta đã ‘tom góp”, mà chỉ giữ được những gì ta đã “cho đi”.
            Có ai lại muốn đi trên những con đường mang nặng những lo âu không ? Thật là phi lý khi chúng ta lại tự tạo cho mình những phiền muộn, trong khi ta có thể thanh thản tận hưởng những niềm vui quanh ta.
            Thế thì bạn lo gì ?
            “Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm một vài gang không ? Vậy việc nhỏ nhất mà anh em còn không làm được, thì anh em lo lắng những việc khác làm gì ? Hãy nhìn hoa huệ mà suy : Làm sao chúng không kéo sợi, không vệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả Sa-lô-mon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống là anh em, ôi những kẻ kém tin !” (Lc.12,25-28).
            Có lẽ bạn biết bản nhạc “Những bước chân âm thầm” chứ ? Ở đây không phải là bước chân của tình yêu, nhưng là bước chân của “nghị lực”. Bây giờ, trước khi khép lại trang Nghệ Thuật Sống này, các bạn hãy tưởng tượng đến “những bước chân âm thầm” của bạn... Cứ “từ từ”, “từng bước, từng bước thầm...” Như vậy cứ từng chặng,  từng chặng một, chúng ta chẳng những sẽ tới đích, mà trên đường còn được hưởng nhiều cái vui nữa. Rồi cuối cùng, bạn cũng sẽ đến đích điểm thôi !
            Cho dù có thể bạn có những ý nghĩ khác, nhưng lời khuyên của Féodor Chaliapine vẫn giúp bạn suy ngẫm thêm về nhiều góc cạnh của cuộc sống hôm nay :
            - “Thầy sẽ không bao giờ quên lần đi bộ hôm nay đâu. Tôi đã cho thầy một bài học nhỏ đấy. Đừng bao giờ lo lắng, buồn rầu vì đích còn ở xa. Chỉ nghĩ tới cái gì ở cách ta một trăm thước thôi. Đừng lo ngại về một tương lai bấp bênh. Chỉ nghĩ tới những cái vui ngày hôm sau thôi, dù nó tầm thường tới mức nào đi nữa.”
MAI NHẬT THI

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger