Friday, December 26, 2014

Tiên Hiền Đặng Nghiêm (1170-1236)



Đặng Nghiêm (1170-1236) thường gọi là Tiên hiền Đặng Nghiêm, người khai khoa cho xứ Sơn Nam. Ông là người thôn An Đề - huyện Vũ Thư - Thái Bình, sống vào thời đạo Nho bắt đầu được coi trọng. Ông là người thông minh, ham học. Lúc nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Ông học đâu nhớ đấy nên dù còn ít tuổi đã nổi tiếng uyên thâm, không có sách gì ông không đọc và hiểu biết nghĩa lý tường tận.
Nhà Lý mở nhiều khoa thi Nho học để chọn nhân tài cho đất nước buổi đầu xây dựng nhà nước trung ương tập quyền như khoa thi chọn "Người giỏi thi thư" năm Ất Tỵ niên hiệu Trịnh phù thứ 10 đời vua Lý Cao Tông (1185). Ở khoa thi này chính Tiên Hiền Đặng Nghiêm đã thi đậu và được tuyển chọn vào giảng sách hầu vua. Trong sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam", Đặng Nghiêm được xếp hàng thứ 5 sau bốn vị khách là người các xứ Kinh Bắc, Hải Đông nên ngài là người khai khoa cho xứ Sơn Nam nay gồm các tỉnh: Hà Đông cũ, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Các xứ Sơn Tây và vùng Thanh Nghệ cho đến lúc này chưa có người nào đậu Đại khoa cả. Chính vì ngài là người khai khoa cho xứ Sơn Nam nên tỉnh Thái Bình mới lấy tên Đặng Nghiêm đặt tên cho một đường phố rất khang trang ở TP Thái Bình để xây dựng Thái Bình thành một tỉnh "Hiếu học".
"Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam" - Nhà xuất bản Văn học viết rằng: "Tiếng tăm ông vang lừng vượt hẳn các sĩ phu đương thời". "Ông làm quan đến Công bộ Thị Lang". "Ông là người hiển đạt đầu tiên trong tỉnh Nam Định".
Thật ra ông là người khai khoa cho cả xứ Sơn Nam bao gồm các tỉnh: Hà Đông cũ, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định. Ngày nay, qua 800 năm, nhà thờ cổ Đặng Nghiêm ở An Đề - Thư Trì - Thái Bình vẫn được con cháu hương khói phụng thờ.
Theo sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam" thì đến Khoa thi năm Nhâm Thìn niên hiệu Kiến Trung 8 đời Trần Thái Tông (1232) cháu Đặng Nghiêm là Đặng Diễn đậu thứ nhất đệ nhị giáp. Đây là trường hợp đầu tiên ở nước ta, trong một gia đình có hai người đậu đại khoa. Đặng Diễn cũng sống ở An Đề - Vũ Thư. Điều này chứng tỏ gia đình Đặng Nghiêm đã trở thành một vọng tộc đi theo con đường Nho học và hiển đạt từ Khoa cử rất sớm.
Theo "Đặng tộc đại tông phả tự" do Đặng Đôn Thực viết năm Lê Hy Tông nguyên niên (1680) thì Đặng Nghiêm là con út của Đặng Phúc Mãn. Đặng Phúc Mãn vốn quê ở Mạc Xá nay đổi là Lương Xá, được giao chỉ huy một vệ đội để xây dựng hành cung Yên Hưng ở Quảng Ninh. Khi việc xây dựng hành cung hoàn thành, vua Lý đã ban ruộng cho Phúc Mãn ăn lộc ở An Đề - Thị Thư do đó Phúc Mãn mới về An Đề và cùng cụ bà hiệu là Trinh Thuận sinh ra Đặng Nghiêm ở An Đề.
Phả cũng cho biết ngài Đặng Ma La, thám hoa khoa Đinh Mùi - niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 đời Trần Thái Tông (1247) và nhà soạn lịch danh tiếng Đặng Lộ cũng là dòng dõi Đặng Nghiêm và như thế thì anh hùng dân tộc Đặng Tất, Đặng Dung và 4 nhà khoa bảng rất nổi tiếng đời Lê Sơ ở Sơn Vi: Đặng Thiếp, Đặng Tông Củ, Đặng Minh Khiêm, Đặng Tán và 2 vị khác là Đặng Thận, Đặng Điềm ở Lập Thạch cũng là con cháu ngài Đặng Nghiêm.
Người xưa đã từng nhận xét: Họ Đặng là "Nam phương vượng tộc" tức họ Đặng là một dòng họ thịnh vượng ở phương Nam. Quả không sai. Ngày nay họ Đặng sống ở nhiều nơi và đông đảo nhất là họ Đặng ở Thái Bình, họ Đặng ở Chương Mỹ, Hà Tây, họ Đặng ở vùng Can Lộc, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Ngày 20-11-2007, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam kết hợp với Ban lịch sử địa phương, Viện sử học, trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Ban liên lạc họ Đặng toàn quốc tổ chức hội thảo khoa học về Đặng Nghiêm tại Bái đường Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội.
Cuộc hội thảo khoa học không những sẽ làm sáng tỏ hơn nữa những đóng góp to lớn của Đặng Nghiêm cho dân tộc, cho đất nước mà còn là dịp để động viên con em Thái Bình hăng say học tập, noi gương bậc tiền bối Đặng Nghiêm, luyện tài rèn đức để phục vụ cho đất nước.
Nhân hội thảo Khoa học về Đặng Nghiêm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám: Tiên hiền Đặng Nghiêm, người khai khoa cho xứ Sơn Nam
Nguyễn Văn Thành
(Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam)

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger