Thursday, December 25, 2014

Vài suy nghĩ về giáo dục.- John Locke



JOHN LOCKE

Tiểu Sử
John Locke sinh ngày 29 tháng 8, 1632 gần thành phố Bristol, Anh Quốc. Ông theo học tại trường Westminster, nơi mà Dryden học cùng thời với ông, và tại Christ Church, đại học Oxford. Nhà lý luận về giáo dục tương lai không có một ý niệm tốt nào về các môn học thịnh hành vào hồi đó ở cả hai trường như ông ám chỉ trong cuốn sách này; tuy nhiên, sau khi đậu bằng Cao Học vào năm 1658, ông trở thành giáo sư phụ giảng tại Oxford, và giảng viên về tiếng Hy Lạp và thuật hùng biện. Sau một chuyến viếng thăm lục địa Âu Châu vào năm 1665 với tư cách là thư ký cho một toà đại sứ, ông trở về Oxford và theo học ngành y khoa. Vừa là bạn, vừa là bác sĩ riêng, ông trở nên gắn bó với Lord Ashley (ông này sau trở thành Bá Tước Shaftesbury thứ nhất); và sau khi nhà qúy tộc này trở thành quan Chưởng Ấn, Locke được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Liên lạc Tôn giáo.
Bá Tước Shaftesbury rời chức vụ trên vào năm 1673 và hai năm sau đó Locke qua định cư tại Pháp vì lý do sức khoẻ; ông sinh sống bằng cách làm nghề gia sư cho con trai của Sir John Banks và làm bác sĩ riêng cho phu nhân của vị Sứ Thần Anh tại Paris. Năm 1679, Shaftesbury trở lại chính quyền và gọi Locke trở về Anh Quốc. Locke miễn cưỡng tuân lệnh người đỡ đầu mình; ông giúp đỡ Shaftesbury trong các vấn đề chính trị và giám thị việc học hành của đứa cháu ông ta (đứa cháu này sau là tác giả của cuốn "Characteristics"). Khi sự nghiệp chính trị của Shaftesbury sụp đổ, cả hai đều trốn qua Hoà Lan tị nạn.
Trong hai năm đầu ở Hoà Lan, Locke đi du lịch và giao du với các học giả ở Âu Châu. Nhưng vào năm 1685 chính phủ Anh Quốc xem ông như là một tên phản quốc và yêu cầu chính phủ Hoà Lan dẫn độ. Và ông bị bắt buộc phải lẩn trốn cho đến khi được Vua James II xá tội, dù không có chứng cớ nào cho biết ông đã phạm tội gì ngoài việc là bạn của Shaftesbury.
Mãi đến năm Locke 54 tuổi ông mới bắt đầu cho ấn hành các kết quả của cả một đời suy tư và nghiên cứu của ông. Bản tóm tắt tác phẩm vĩ đại của ông "Tiểu Luận Về Sự Hiểu Biết Của Con Người" (Essay Concerning Human Understanding) được bạn ông là Le Clerc ấn hành trong bộ "Bibliothèque Universelle" và toàn bộ tác phẩm ra đời năm 1690. Cũng chính từ Hoà Lan mà ông viết những lá thư để khuyên bảo một người bạn trong cách nuôi con. Các lá thư này sau đã được ấn hành trong cuốn "Các Suy Nghĩ Về Giáo Dục." (Thoughts Concerning Education)
Trong thời gian lưu đày Locke có dịp làm thân với William và Mary, hai vị mà sau này trở thành Vua và Hoàng Hậu của Anh Quốc. Sau khi cách mạng thành công, Locke trở về Anh Quốc với Hoàng Hậu Mary năm 1689. Ông đuợc đề nghị làm Sứ Thần Anh Quốc tại Đức; nhưng ông từ chối lấy lý do sức khỏe kém, nhưng chính vì ông cho rằng tửu lượng ông quá kém để làm Sứ Thần tại Triều Đình Brandenburg. Ông ở lại Anh Quốc để ấn hành cuốn "Tiểu Luận."
Ông sống cuộc đời còn lại tại nhà các người bạn của ông, các gia đình Cudworths và Mashams tại Oates, vùng Essex. Ông giữ chức vụ Ủy Viên Phòng Chống Án (Commissioner of Appeals) và trong vài năm là thành viên của Hội Đồng Thương Mãi và Đồn Điền (Council of Trades and Plantations), một chức vụ đã giúp ông tiếp xúc với các vấn đề kinh tế. Tại Oates, ông có dịp thực hành các lý thuyết giáo dục của ông trong khi dạy dỗ đứa cháu của chủ nhà; các kết qủa xác nhận rằng các lý thuyết của ông là đúng. Ông từ trần tại Oates ngày 27 tháng 10 năm 1704.
Việc đáng lưu ý là khi còn học tại trường Westminster và đại học Oxford, Locke không đồng ý với các phương pháp giáo dục thời đó; và tính cách suy tư độc lập đã trở thành đặc tính nổi bật trong suốt cuộc đời của ông. Trong lãnh vực y khoa, ông tố cáo cách học từ chương còn thịnh hành; Bacon và Hobbes cũng đã đả kích cách học này trong nhiều lãnh vực giáo dục khác. Ông tán thành các phương pháp thực nghiệm đã được bạn ông, bác sĩ nổi tiếng Sydenham, áp dụng. Trong lý thuyết về phương pháp giáo dục của ông, ông đưa ra những ý kiến tiến bộ, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự lập thành thói quen; ông cho rằng mục đích chính của giáo dục là sự huấn luyện về tính khôn ngoan và đức hạnh hơn là sự thu thập kiến thức. Những ý kiến của ông hiện nay vẫn là những mục tiêu được nhắm đến nhưng các nhà cải cách giáo dục vẫn chưa thực hiện được. Ta nên lưu ý rằng các "suy nghĩ" sau đây có mục đích chính là sự giáo dục trẻ em của từng người chứ không phải sự hình thành của một hệ thống giáo dục.
Nhưng chính nhờ vào triết học mà Locke được người đời biết đến. Ông là ông tổ của trường phái chủ nghĩa duy nghiệm của Anh Quốc và ông đã ảnh hưởng sâu rộng trên tư tưởng triết lý toàn Âu Châu. Hầu như tất cả các dòng chính về hoạt động tri thức của Anh Quốc vào thế kỷ 18 đều xuất phát từ Locke và chủ nghĩa hoài nghi của Hume là sự phát triển hợp lý của các nguyên tắc đã được nêu ra trong cuốn "Tiểu Luận Về Sự Hiểu Biết Của Con Người" của Locke.
Tiểu luận Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục được dịch từ nguyên tác đăng trên trang web Modern History Sourcebook, tại địa chỉ :http://www.fordham.edu/halsall/mod/1692locke-education.html


Phần I

Vài Suy Nghĩ về Giáo Dục là cuốn sách duy nhất John Locke viết về giáo dục. Khởi đầu đây chỉ là một tuyển tập những lá thư trao đổi giữa Locke và người bạn của ông là Edward Clarke trong thời gian Locke sống lưu vong tại Hòa Lan. Cuốn sách này được ấn hành tháng 7 năm 1693. HVCD tuyển dịch một số đoạn trong cuốn sách này theo ấn bản điện tử được đăng tải trên trang mạng http://www.bartleby.com/37/1/

Đoạn 1

Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, đây là một câu nói ngắn gọn, mô tả đầy đủ thế nào là hạnh phúc trên cõi đời này. Người nào có hai điều kiện đó không còn gì để mong ước thêm nữa; và kẻ nào thiếu một trong hai điều đó sẽ không hưởng được gì cả. Hạnh phúc hoặc sự khốn khổ phần lớn do chính ta tạo nên. Kẻ nào trí óc kém khôn ngoan thì không bao giờ đi đúng con đường tốt; và kẻ nào có một thân thể gầy gò, yếu đuối sẽ không bao giờ có khả năng đi trên con đường ấy. Tôi công nhận rằng có những người được tạo hoá ban cho một thân thể và một trí óc mạnh mẽ đến độ họ không cần đến sự giúp đỡ của ai khác; nhưng bằng cái thiên tư thiên phú mạnh mẽ của họ, ngay từ khi còn nằm trong nôi, họ được hưởng những gì tốt đẹp nhất; và vì được đặc ân có một thể chất tốt đẹp, họ có khả năng thực hiện những điều kỳ diệu. Nhưng những mẫu người như vậy thật là hiếm hoi; và tôi có thể nói rằng, qua tất cả những người mà tôi đã gặp, chín mươi phần trăm của những người ta gặp, những người này tốt hay xấu, hữu dụng hay vô tích sự, đều do giáo dục mà ra cả.
Giáo dục tạo nên sự khác biệt giữa các con người. Ngay những cảm giác nhỏ nhoi, có thể gần như không cảm thấy được, mà chúng ta thu nhận được từ thời thơ ấu, có những ảnh hưởng quan trọng và lâu dài. Các cảm giác đầu tìên ấy có thể được ví như những nguồn của các con sông: chỉ cần một sức nhẹ của bàn tay là có thể làm lệch dòng nước ra thành nhiều luồng nước chảy theo nhiều hướng trái ngược nhau; hậu quả là tùy theo hướng được lèo lái ngay từ đầu nguồn, các con sông chảy theo nhiều dòng khác nhau, và cuối cùng chảy đến những nơi xa xôi, hẻo lánh.
Đoạn 32
Nếu những gì mà tôi đã nói ở đầu bài này là đúng - và tôi chắc là như vậy - rằng các sự khác biệt trong tư cách và khả năng của con người là do giáo dục tạo nên hơn là do những gì khác thì chúng ta có lý do để kết luận rằng ta phải rất thận trọng trong việc rèn luyện trí óc của trẻ con, và nếu giáo dục chúng sớm sủa thì sự việc này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của chúng sau này. Thật vậy, nếu sau này chúng tốt hay xấu, người ta sẽ căn cứ trên giáo dục mà khen hay chê chúng; và khi chúng phạm lỗi, người ta sẽ không khỏi phán xét bẳng câu nói thường tình: "Đó là lỗi do nền giáo dục mà chúng đã nhận được".
Đoạn 33
Nếu sức mạnh của thân thể giúp ta chịu đựng gian khổ, thì sức mạnh của tinh thần cũng thế, [giúp ta chống lại các cám dỗ]. Cái nguyên tắc, cái căn bản lớn của mọi đức hạnh và giá trị là con người có khả năng từ chối các ham muốn, chống lại các cám dỗ, và hoàn toàn theo con đường tốt nhất mà lý trí dẫn dắt, dù cho các ham muốn kéo đi theo con đường khác.
Đoạn 34
Lỗi lầm lớn nhất mà người ta thường vi phạm trong việc giáo dục con cái là không săn sóc chúng vào đúng lúc; rằng ta không huấn luyện chúng để tuân theo kỷ luật, để có thói quen uốn nắn mình theo lẽ phải ở tuổi mà chúng dễ bảo nhất, dễ thu nhận nhất. Theo luật tự nhiên, cha mẹ yêu thương con cái mình, và nếu lý trí không chế ngự được tình thương này thì có thể biến nó thành sự nuông chiều. Cha mẹ yêu thương con cái đó là bổn phận của họ; nhưng rất nhiều khi, với con người của chúng, họ cũng yêu thương các tật xấu của chúng nữa. Họ nói ta không nên làm con cái phật lòng. Ta phải cho chúng được thỏa chí trong mọi việc; và vì còn thơ ấu, chúng không thể phạm những lỗi lầm lớn lao, cho nên cha mẹ nghĩ rằng có thể chấp nhận sự việc ấy và xem các lỗi lầm này như là những trò chơi thích thú thích hợp với lứa tuổi của đứa trẻ. Nhưng với các bậc cha mẹ ưa nuông chiều con cái, không những không sửa chữa lỗi lầm của chúng mà còn cho lỗi đó không quan trọng, thì nhà lập pháp trứ danh Solon nói rằng: "Phải rồi, đó là việc nhỏ, nhưng để tập thành thói quen là một chuyện lớn". 


Đoạn 35-38



Đoạn 35

Đứa trẻ biết đánh, biết chửi vì được nuông chiều; người lớn phải cho nó những gì nó la khóc đòi hỏi; phải làm tất cả  điều nó muốn. Cha mẹ, khi tâng bốc, chiều chuộng lúc con cái còn thơ ấu, hẳn làm hư hỏng các thiên hướng tự nhiên của chúng. Vậy mà họ lại ngạc nhiên vì phải uống nước đắng khi chính họ đã đầu độc giếng nước. Thật vậy, khi con cái khôn lớn, các tật xấu cũng lớn theo . Khi chúng quá tuổi được nuông chiều, và khi cha mẹ không thể xem chúng như là đồ chơi nữa, họ than vãn rằng: con cái cứng đầu và hư hỏng. Họ bị xúc phạm khi thấy chúng ngang bướng. Họ bị quấy rầy bởi những tật xấu mà chính họ đã truyền vào chúng và tạo ra cho chúng. Và bây giờ, có thể là quá muộn rồi. Họ sẽ sung sướng nếu nhổ được nhúm cỏ dại họ đã tự tay trồng lên; nhưng nay thì dễ gì mà bứng đi được khi chúng đã bắt rễ quá sâu. Nếu đứa trẻ đã được tập thói quen muốn gì được nấy khi còn mặc tã, tại sao ta lấy làm ngạc nhiên khi nó vẫn muốn được tiếp tục làm như vậy khi nó đã mặc quần? Thật vậy, nó càng đến gần tuổi trưởng thành, các tật xấu càng nổi bật nên ít có cha mẹ nào mù quáng đến nỗi không nhận thấy các tật xấu đó, cũng như không cảm nhận được các hậu quả xấu do sự khoan dung của mình. Đứa trẻ đã biết bắt bà vú làm tất cả những gì nó muốn truớc khi nó biết nói hay biết đi. Nó điều khiển cha mẹ nó từ khi còn bập bẹ. Nay nó đã lớn khôn, khỏe mạnh hơn và thông minh hơn, tại sao bỗng nhiên nó lại để mình bị ngăn cản hay kiềm chế? Tại sao vào lúc 7, 14, hay 20 tuổ, nó lại bị mất các đặc quyền mà cha mẹ đã cho khi họ khoan nhượng? Hãy thử làm như vậy với chó, ngựa hay với bất cứ con vật nào khác, ta sẽ thấy rằng, sau khi chúng đã lớn, ta không dễ dàng sửa đổi các tật xấu chúng đã nhiễm lúc còn nhỏ. Vả lại, có con vật nào có độ ngang bướng, tự hào, có ý tự làm chủ và làm chủ kẻ khác bằng nửa con người?

Đoạn 36

Thông thường, chúng ta khá khôn ngoan để bắt đầu giáo dục thú vật khi chúng còn nhỏ để ghép chúng vào kỷ luật nếu chúng ta muốn sử dụng chúng nhưng lại lơ đểnh trong nhiệm vụ này với chính con cái của chúng ta. Sau khi đã tạo chúng thành những đứa trẻ xấu, ta lại có ý nghĩ điên rồ muốn chúng trở nên những con người tốt. Nếu mỗi lần ta làm cho đứa trẻ vui khi nó muốn ăn nho hay kẹo bánh, thay vì để nó khóc hay hờn giận, thì tại sao khi nó khôn lớn, ta lại không chiều ý khi nó muốn uống rượu hay đàn bà? Đó là những sở thích của lứa tuổi thanh niên, cũng như kẹo bánh là sở thích của con trẻ. Lỗi lầm không phải do những ham muốn thích ứng với thị hiếu của mỗi lứa tuổi mà là không biết bắt chúng lệ thuộc vào kỷ luật và sự hạn chế của lý trí. Sự khác biệt không phải là ở việc có hay không có những đam mê, nhưng là ở chỗ có hoặc không có khả năng làm chủ lấy mình và từ khước các đam mê đó. Khi còn trẻ, mà đã không tập thói quen để ý chí của mình phục tùng lý trí của những kẻ khác, thì sẽ gặp khó khăn khi đến tuổi tự mình buộc ý muốn tuân theo lý trí. Một đứa trẻ được giáo dục như vậy sẽ trở thành một con người như thế nào? Thật dễ dàng suy đoán.

Đoạn 37

Dường như đó là những thiếu sót mà bất kỳ ai muốn lo lắng giáo dục con cái thường phạm phải. Nhưng nếu xét đến phương thức hướng dẫn trẻ em thường áp dụng, ta sẽ có lý do để hỏi rằng: có phần nào dành cho sự giáo dục về đức hạnh không, khi ta nghe những lời phán xét về sự khiếm khuyết trong các cách hành xử? Tôi muốn biết tật xấu nào mà cha mẹ và những người săn sóc đứa trẻ không dạy cho nó, tật xấu mà hạt giống đã được gieo mầm trong trí óc đứa trẻ ngay khi nó vừa có khả năng thu nhận? Nói như vậy không có nghĩa là không có các gương tốt, các mẫu mực mà người ta đưa ra trước mắt đứa trẻ, nhưng những điều đó chỉ vừa đủ để khuyến khích nó; điều mà tôi muốn đề cập nơi đây là người ta dạy cho đứa trẻ những tật xấu, và dẫn nó rời xa con đường đức hạnh.
Ngay khi đứa trẻ còn chập chững, người ta truyền đạt cho nó bạo lực, báo thù và độc ác.  "Đánh cho bố một cái đi, rồi bố đánh nó cho con," là bài học mà phần đông trẻ con nghe mỗi ngày. Người ta nghĩ rằng việc ấy không đáng gì, vì tay trẻ con chưa đủ sức để gây đau đớn nhưng tôi tự hỏi: xử sự như vậy có làm hư hỏng trí óc trẻ con không? Ta có đưa ra trước mắt nó sự thực hành bạo lực không? Nếu từ khi nó còn nhỏ, ta dạy nó đánh hay gây thương tích cho kẻ khác qua tay một người nào, nếu ta khuyến khích nó vui sướng khi làm cho kẻ khác đau đớn, và nếu ta tập cho nó quen nhìn người khác đau đớn, chẳng phải là ta đã chuẩn bị cho nó hành động như vậy khi nó đủ mạnh để đánh thực sự và thấy đòn của mình có hiệu quả sao?
Chúng ta mặc áo quần để khỏi bị xấu hổ, để được ấm áp và để che chở thân thể, nhưng có một số cha mẹ vì thói xấu hay vì điên rồ mà gán cho quần áo những mục tiêu khác. Họ biến quần áo thành những đồ vật để khiêu gợi lòng kiêu căng, đua đòi. Người ta làm cho một đứa trẻ say mê một bộ y phục vì bộ y phục ấy mới và đẹp. Khi một cô bé được mặc một chiếc áo mới và tóc được cắt theo đúng thời trang, có khác gì bà mẹ đã dạy cho nó tự ngưỡng mộ bằng cách gọi nó là "hoàng hậu bé nhỏ của mẹ," "công chúa nhỏ bé của mẹ." Như vậy, trẻ con học thói quen hãnh diện về quần áo của mình trước khi chúng có thể tự mặc lấy áo quần. Làm sao chúng lại không tiếp tục hãnh diện phô trương cái bề ngoài-và chúng cũng không biết rằng đó là công sức của những thợ may-khi chính cha mẹ chúng đã dạy như vậy từ khi chúng còn thơ ấu?
Cha mẹ tập cho con cái nói dối, nói lập lờ, xin lỗi mà thật sự không khác gì nói dối. Đứa trẻ, như người tập sự học nghề, được khuyến khích làm như vậy khi cha mẹ hay chủ nhân có lợi trong việc đó. Và khi  được khuyến khích nói dối để làm lợi cho chủ, thì tại sao  trong tương lai đứa trẻ sẽ không làm như vậy khi có lợi cho chính nó?
Chỉ vì tài chánh yếu kém, mà giới bình dân không khuyến khích con cái họ ăn uống thừa mứa, không dụ dỗ chúng với kẹo bánh, không xúi giục chúng ăn uống quá mức cần thiết. Khi họ có cơ hội, chính họ lại nêu gương xấu: không phải vì họ không tham ăn hay ghét uống, nhưng vì họ không có phương tiện. Ngoài ra, nếu nhìn vào gia thế những kẻ giàu có, ta thấy họ xem sự ăn uống như là cái gì quan trọng nhất và hạnh phúc nhất trong đời; con cái của họ, nếu không được ăn uống như vậy, sẽ cảm thấy như bị bỏ rơi. Các món xốt, các món ragu, các món ăn đủ loại được xảo thuật của nghề nấu ăn làm cho ngon miệng là những gì mà người ta xử dụng để kích thích khẩu vị khi đã no; bấy giờ, vì sợ dạ dày quá đầy, người ta lấy cớ đó để mời thêm một ly rượu, nói là giúp tiêu hoá nhưng thật sự chỉ làm cho sự tiêu hóa khó khăn hơn mà thôi.
Nếu cậu chủ nhỏ của ta hơi bị ể mình, câu hỏi đầu tiên mà ta hỏi cậu là: "Con ơi, con muốn ăn gì? Cha (mẹ) có thể làm gì cho con đây?" Người ta luôn luôn thúc giục ăn uống, dùng mọi xảo thuật để tìm ra một món ăn ngọt ngào, ngon lành hầu tránh cho đứa trẻ biếng ăn. Thế nhưng, thiên nhiên đã gợi lên sự biếng ăn ngay khi ta bắt đầu bị bệnh để bệnh khỏi nặng thêm: mục đích giúp cho bao tử không nặng nề vì làm việc nhiều để thiên nhiên có đủ thời gian sửa đổi và kiềm chế tình trạng bệnh hoạn.
Ngay cả khi cha mẹ săn sóc con cái, không để chúng ăn uống bừa bãi, cũng thật là khó khăn khi bắt chúng điều độ theo phương cách ẩm thực giản dị và thanh đạm, để chúng tránh được những ảnh hưởng tai hại đầu độc tâm tư chúng. Vì được chăm lo ăn uống điều độ, trẻ con có sức khoẻ tốt; nhưng thường khi các ham muốn của chúng phải thích ứng với các bài học về thuật sành ăn mà chúng vẫn nghe được. Các lời khen ngợi về các món ăn ngon mà người lớn thốt ra trước mặt chúng ở khắp mọi nơi không ngớt là những kích thích tố có hiệu lực cho một đam mê tự nhiên và hướng chúng đến sự yêu chuộng một bàn ăn đầy sơn hào hải vị. Đây không phải là cái mà mọi người, ngay cả những ai chê trách tật xấu này, gọi là biết cách sống ư? Và có ai dám phản đối gì trước một quần chúng đồng tình như vậy? Làm sao ta có thể hy vọng rằng ý kiến của ta được chấp thuận bởi ta tố cáo thói quen ăn uống như vậy là xa hoa, khi mà sự xa hoa đó được hoan nghênh nhiệt liệt và được toàn thể giới thượng lưu tôn sùng?
Bây giờ, tật xấu này lớn mạnh được nhiều người ủng hộ đến nỗi tôi không biết nó được kể như một đức tính tốt đẹp không, và người ta có thể bị xem như là một tên dở hơi hay là một kẻ không sành điệu khi dám mở miệng chỉ trích nó. Và tôi ngờ rằng các lời phê phán của tôi về việc này có thể bị chỉ trích như là một sự châm biếm hơi lạc đề, nếu tôi không nhấn mạnh rằng tôi nói như vậy nhằm cảnh giác các bậc cha mẹ để họ gia tăng săn sóc giáo dục con cái, bằng cách cho họ biết rằng họ bị bao vây tứ phía, không những bởi những sự cám dỗ có thể làm hư hỏng con cái họ, mà còn bởi các vị thầy dạy tật xấu, trong số đó có cả những người được xem như có bổn phận phải bảo vệ đứa trẻ.
Tôi không muốn dài dòng thêm nữa về đề tài này, cũng như không muốn đề cập đến tất cả những chi tiết về những cố gắng mà người ta làm để nuông chiều trẻ con và tập tành cho chúng những tật xấu; nhưng tôi muốn xin các bậc cha mẹ hãy điềm tĩnh xem xét có tật xấu hoặc bất thường nào mà ta đã không dạy con cái; phải chăng, cha mẹ nên khôn ngoan và có bổn phận phải chỉ dạy cho chúng những điều khác hơn?

Đoạn 38

Tôi thấy rõ rằng: nguyên tắc của mọi đức hạnh là chúng ta có khả năng từ chối việc thoả mãn các ham muốn mà lẽ phải không cho phép. Khả năng này, ta có và trau dồi được qua thói quen khiến nó trở nên dễ dàng và quen thuộc bằng cách luyện tập từ khi còn nhỏ. Vậy nếu có thể làm cho người ta lắng nghe, tôi sẽ nói rằng, trái với phương pháp thông thường, trẻ em phải tập thói quen kiềm chế các thèm muốn và bỏ qua những đòi hỏi ngay khi còn nằm trong nôi. Việc đầu tiên ta phải dạy chúng rằng, bất cứ cái gì ta cho chúng, không hẳn để làm chúng vui lòng nhưng vì điều ấy có ích cho chúng. Sau khi cung cấp tất cả những gì chúng cần, nếu ta không bao giờ cho chúng những gì chúng đòi hỏi bằng cách khóc lóc thì chúng sẽ không cần đến những thứ ấy nữa: chúng sẽ không còn la khóc, hờn giận để đòi hỏi. Sau cùng, chúng sẽ bớt đi một nửa sự làm phiền bản thân và làm phiền người khác nếu chúng được dạy dỗ như vậy từ khi còn nhỏ. Khi chúng không còn nôn nóng đòi hỏi cho bằng được theo sở thích thì chúng sẽ không bao giờ sụt sùi vòi vĩnh này nọ, như khi chúng la khóc để đòi mặt trăng. 

Đoạn 39-42

Đoạn 39
Không phải là tôi nói chúng ta không nên nuông chiều đứa trẻ một chút nào, hay là hy vọng nó xử sự khôn ngoan như một quan toà. Tôi xem nó như là một đứa trẻ, một đứa trẻ mà ta phải đối xử một cách dịu dàng, nó phải được chơi đùa và phải có đồ chơi. Cái mà tôi muốn nói là, mỗi khi nó muốn một cái gì hay muốn làm một điều gì không thích hợp với nó, thì ta không nên cho nó thỏa mãn; đừng nghĩ rằng vì nó còn nhỏ nên nó muốn như thế: không phải vậy, ngược lại, mỗi khi nó nhõng nhẽo đòi hỏi một cái gì thì ta phải làm cho đứa trẻ hiểu rằng cũng vì nó nhõng nhẽo đòi hỏi mà ta từ chối. Tôi đã nhìn thấy trẻ con ở bàn ăn. Có đứa thì, dù có thức ăn đặt trước mặt đi nữa, nó cũng không đòi hỏi gì hết, và chỉ ăn những gì được cho. Còn đứa khác thì la khóc, đòi hỏi tất cả những gì có trên bàn; người ta phải cho nó tất cả các món ăn, lại còn phải dọn cho nó ăn trước tiên nữa. Tại sao có sự khác biệt như thế? Đó là vì đứa này đã quen thói la khóc đòi hỏi, còn đứa kia thì quen thói chịu nhịn. Trẻ càng nhỏ thì ta càng phải khống chế tính thèm ăn vô kỷ luật, vô trật tự của chúng. Chúng càng ít lý trí, chúng lại càng phải hoàn toàn phục tùng và tuân theo những người chăm lo cho chúng. Từ việc này, tôi nhận thấy rằng chỉ nên cho những người khôn ngoan gần gũi trẻ. Nếu làm ngược lại, thì tôi chịu. Những điều Tôi nói ở đây là những gì mà tôi thấy người ta cần phải làm. Nếu việc này đã được áp dụng, tôi thấy không cần phải làm phiền người khác với những lời nhận xét của tôi nữa. Tuy nhiên, tôi chắc rằng nếu suy nghĩ kỹ càng về việc này, tôi không phải là người độc nhất cho rằng ta càng sớm cho trẻ vào khuôn phép thì càng tốt cho cha mẹ và cho chính đứa trẻ. Và ta phải xem như là một châm ngôn bất di bất dịch rằng, một khi ta đã từ chối trẻ một cái gì, thì ta không bao giờ nhường nhịn nó dù nó la khóc hay nài nỉ ta, trừ trường hợp ta muốn tập cho nó trở thành những đứa trẻ thiếu kiên nhẫn và khó chịu bằng cách thỏa mãn khi nó đòi hỏi như vậy.

Đoạn 40

Vậy cha mẹ muốn giáo dục con cái thì phải bắt buộc chúng phục tùng ý chí của mình ngay từ khi chúng còn nhỏ. Nếu ta có một đứa con trai và muốn nó vâng lời sau thời kỳ thơ ấu, thì ta hãy cố gắng thiết lập quyền làm cha từ khi đứa trẻ biết phục tùng và có khả năng hiểu biết nó phụ thuộc vào ai. Nếu ta muốn nó kính trọng ta thì hãy dạy đứa trẻ việc này từ khi nó còn thơ ấu; và nó càng lớn dần đến tuổi thành niên thì ta cho nó gần gũi, thân mật với ta. Làm như vậy, ta sẽ có một đứa con biết vâng lời khi còn nhỏ và một người bạn thân thiết khi đứa trẻ đã lớn. Bởi vì theo ý tôi, thật rất lầm lẫn khi ta khoan dung và thân mật với trẻ khi chúng còn nhỏ và ngược lại nghiêm khắc và xa cách lúc chúng trưởng thành. Tự do và khoan dung không tốt cho trẻ em: vì chúng chưa đủ óc xét đoán, nên chúng cần được hướng dẫn và kỷ luật. Ngược lại, nghiêm khắc, độc đoán không phải là cách đối đãi tốt với người lớn: họ có đủ lý trí để tự biết xử sự. Tôi không nghĩ rằng quý vị có những đứa con mà khi lớn lên chúng sẽ chán ngán quý vị và nói thầm với nhau rằng: "Bố ơi, lúc nào thì bố chết đây?"

Đoạn 41

Tôi nghĩ mọi người đều xem điều sau đây hợp lý: con cái, khi chúng còn nhỏ, xem cha mẹ như những vị chúa tể toàn quyền và kính sợ cha mẹ; ở một tuổi lớn hơn chúng xem cha mẹ như những người bạn, những người chúng tin cậy được và vì vậy nên chúng yêu mến và kính trọng họ. Phương pháp mà tôi đề nghị, nếu tôi không lầm, là phương cách tốt nhất để đạt những mục đích ấy. Ta phải nhớ rằng, một khi đứa trẻ lớn lên, nó giống hệt chúng ta, với cùng những đam mê, cùng những ham muốn. Chúng ta muốn kẻ khác xem ta là những con người có lý trí; và chúng ta có tự do; ta không muốn bị khiển trách, nạt nộ, cũng như không muốn người chung quanh bực bội và xa lánh ta. Kẻ nào khi đến tuổi thành niên mà bị đối xử như vậy thì nên mau chóng tìm kiếm một đám bạn bè khác, những người bạn có thể làm cho họ thoải mái. Cho nên, nếu ngay từ đầu ta nghiêm khắc với trẻ vì chúng còn dễ dạy, và yên lặng phục tùng vì không biết làm cách nào khác; và khi chúng biết suy nghĩ, ta đối xử với chúng bớt nghiêm khắc hơn và từ từ bớt xa cách hơn, thì lúc đó, sự nghiêm khắc mà chúng chịu đựng trước kia sẽ làm tăng tình yêu mến của chúng, vì chúng nhận thấy rằng cha mẹ làm như vậy là vì yêu thương chúng; và sự giáo dục như vậy làm cho chúng xứng đáng với tình thương của cha mẹ và sự qúy mến của mọi người khác.

Đoạn 42

Đó là những luật lệ tổng quát mà cha mẹ nên theo để chứng tỏ quyền uy của mình đối với con cái. Sự sợ hãi và sự kính trọng cho cha mẹ cái quyền đầu tiên trong óc đứa trẻ. Sau đó quyền ấy được duy trì bằng tình thương và tình bạn: vì sẽ đến lúc không còn roi vọt và trừng phạt nữa, và khi đó nếu tình thương không đủ làm cho đứa trẻ vâng lời và trói buộc nó với bổn phận, nếu lòng yêu mến đức hạnh và thể diện không giữ nó trên con đường tốt thì cha mẹ sẽ dùng ảnh hưởng gì để bắt chúng cư xử tốt? Có thể nó sợ rằng không được chia đúng phần gia tài nếu nó làm phật lòng cha mẹ nên giả bộ tuân theo ý muốn của họ, nhưng việc đó không cản nó trở thành người xấu khi nó chỉ có một mình; ngoài ra sự ràng buộc trên sẽ không kéo dài mãi được. Vào một lúc nào đó, bất cứ người nào cũng phải là chính mình và phải tự biết xử sự, và chỉ có con người đó mới là con người có đức hạnh, tốt và có khả năng, và sự việc này chỉ xảy ra tự trong bản thân của họ mà thôi. Cho nên những gì mà trẻ thu nhận được từ giáo dục, những gì ảnh hưởng đến suốt đời nó, ta phải cho nó từ thuở nhỏ: tôi muốn nói đến các thói quen tốt đã được đan kết lại thành những nguyên tắc hành xử một cách tự nhiên, chứ không phải cái bề ngoài giả dối được tạo ra bởi sự sợ hãi vì muốn tránh sự tức giận nhất thời của người cha hoặc vì sợ bị truất phần gia tài. 


Đoạn 43-46



Đoạn 43

Sau khi đã giải thích một cách tổng quát phương pháp phải theo, bây giờ ta phải xét chi tiết hơn các phương cách kỷ luật phải dùng đến. Tôi đã nói quá nhiều về sự cần thiết hướng dẫn trẻ em một cách cứng rắn để có thể bị nghi ngờ rằng tôi không lưu ý đến tuổi trẻ và thể chất yếu đuối của chúng. Nhưng sự nghi ngờ này sẽ tan biến nếu bạn nghe tôi nói tiếp. Thật ra, tôi nghĩ rằng trong việc giáo dục trẻ con, những sự trừng phạt quá nghiêm khắc không có kết quả tốt mà còn có những kết quả xấu; và tôi tin rằng, trong cùng điều kiện như nhau (caeteris paribus), những trẻ em nào bị trừng phạt nhiều nhất có rất ít khả năng trở thành những con người tốt. Tất cả những gì mà tôi muốn nói từ trước đến nay là, dù ta áp dụng sự nghiêm khắc đến độ nào đi nữa, ta chỉ nên dùng nó khi đứa trẻ càng nhỏ càng tốt. Và khi sự nghiêm khắc này được áp dụng một cách đứng đắn đã đem đến kết quả thì tốt hơn là giảm nhẹ nó đi và thay thế bằng một thứ kỷ luật nhẹ nhàng hơn.

Đoạn 44

Nếu, với một sự hướng dẫn cương quyết cha mẹ làm cho ý chí đứa trẻ trở nên dễ phục tùng, dễ uốn nắn trước khi chúng có thể nhớ được chúng bị đối xử như thế nào, thì chúng xem việc ấy như là tự nhiên mà có và sự việc này sẽ tác động trên chúng như là đến từ tự nhiên; làm như thế sẽ chặn trước mọi cơ hội chống đối hay phàn nàn. Chỉ có một điều đáng lưu ý là phải làm việc này rất sớm và phải tỏ ra không nhân nhượng cho đến khi sự sợ hãi và sự kính trọng trở nên quen thuộc với đứa trẻ và cho đến khi ta nhận thấy nó phục tùng và vâng lời một cách dễ dàng. Một khi thói quen kính trọng đó đã được thiết lập và ta phải đạt được việc này rất sớm nếu không ta sẽ gặp nhiều khó khăn, phải cần nhiều trận đòn để thiết lập lại nó, và sự khó khăn càng nhiều nếu ta càng để lâu hơn nữa. Ta sử dụng thói quen này để hướng dẫn đứa trẻ khi nó càng ngày càng hiểu biết, chứ không dùng đến roi vọt, la mắng hay những sự trừng phạt làm mất nhân phẩm khác. Ta có thể tỏ ra khoan dung ít hay nhiều trong sự đối xử với đứa trẻ tùy theo mức kính trọng mà nó dành cho ta.

Đoạn 45

Việc ta làm trên đây sẽ được dễ dàng chấp nhận hơn khi ta xét xem một nền giáo dục chân thật là gì và mục đích của nó là gì?
1.- Kẻ nào mà không làm chủ được các sở thích của mình, không biết cách chống lại sự thôi thúc của khoái lạc hay đau khổ hiện tại để làm theo những gì lý trí cho là phải, những kẻ đó thiếu hẳn các nguyên tắc chân thực của đức hạnh và sự siêng năng, và có nguy cơ trở thành những con người vô tích sự. Tính tình này dù trái ngược với bản chất tự nhiên, do vậy, cần phải được nuôi dưỡng đúng lúc. Tính tình này chính là căn bản thực sự của hạnh phúc và của khả năng trong tương lai cần phải được in sâu vào trí óc của đứa trẻ càng sớm càng tốt, ngay khi đứa trẻ bắt đầu hiều biết; sau hết, những người có trách nhiệm về giáo dục phải quan tâm khai triển thêm tính tình này bằng mọi phương tiện có thể đuợc.

Đoạn 46

2. -  Mặc khác nếu trí óc đứa trẻ bị kiềm chế quá chặt chẽ, bị xúc phạm quá nhiều, nếu tinh thần đứa trẻ bị suy nhược vì bị đàn áp bởi một thứ kỷ luật quá cứng rắn thì đứa trẻ sẽ mất lòng hăng hái, mất năng lực và có thể rơi vào tình trạng tệ hại hơn tình trạng nói trên. Thật vậy, những đứa trẻ hoang đàng nhưng có sức sống và có trí óc, nhiều khi có thể được sửa đổi và trở thành những con người có khả năng hoặc ngay cả những vĩ nhân, nhưng những đứa trẻ có tinh thần suy yếu, nhút nhát bạc nhược khó có thể trỗi dậy được và hiếm khi làm được gì. Tránh được cả hai trở ngại đó là một nghệ thuật lớn. Người nào tìm đuợc phương pháp làm cho đứa trẻ giữ được tính tình dễ dãi, linh hoạt, phóng khoáng và cùng một lúc tránh được những ham muốn có thể đem lại cho nó những tình huống khó khăn, người đó, theo tôi, đã biết cách hoà hợp được các điều trái ngược nhau và đã tìm đuợc bí mật thật sự của giáo dục. 

Đoạn 47-50



Đoạn 47

Phương cách dễ dàng và mau chóng nhất là khiển trách và roi vọt, một phương pháp duy nhất mà các nhà giáo dục thường biết và nghĩ đến; [nhưng] phương cách ấy kém thích ứng nhất trong các phương cách được dùng trong giáo dục bởi vì nó có khuynh hướng dẫn đến hai mối nguy hại như tôi đã trình bày ở trên; hai mối nguy hại này, nếu thiên về bên nào thì, cũng giống như hai con thủy quái Charybdis và Scylla sẽ phá hủy những con tàu đụng vào chúng dù đến từ bất cứ phía nào.[1]

Đoạn 48

1. - Loại trừng phạt này không giúp gì hết trong sự khắc phục khuyng hướng tự nhiên của chúng ta là tìm kiếm những thú vui vật chất trong hiện tại, và tránh đau đớn bằng bất cứ giá nào; ngược lại, sự trừng phạt lại còn khuyến khích đi tìm kiếm lạc thú và làm cho khuynh hướng đó trở nên mạnh mẽ hơn và từ đó nẩy ra mọi hành động xấu xa và các sai lầm trong cuộc sống. Thật vậy, ngoài việc muốn có một cảm giác thích thú khi ăn một trái cây độc hại mà nó thích hoặc muốn tránh sự đau đớn vì bị đòn, còn có cách nào khác khiến đứa trẻ học bài một cách miễn cưỡng? Trong trường hợp này nó chỉ chọn lựa sự thích thú lớn nhất hay tránh né nỗi đau đớn lớn nhất. Và tôi tự hỏi đó không phải là ta đã gieo rắc các lý do ấy trong đầu óc đứa trẻ hay sao, trong khi công việc của chúng ta là bứng đi và phá tan các lý do đó? Và như vậy tôi không nghĩ rằng sự trừng phạt có ích lợi cho đứa trẻ khi sự xấu hổ vì bị trừng phạt không có ảnh hưởng nhiều hơn là sự đau đớn.

Đoạn 49

2. - Lối sửa đổi kiểu này tự nhiên tạo ra một phản cảm đối với điều mà người thầy phải làm cho trẻ nhỏ ưa thích. Chẳng phải ta đã từng thấy trẻ em có ác cảm với những điều mà trước đây chúng vui vẻ chấp nhận, chỉ vì chúng bị đánh mắng hay chế diễu vì những điều đó. Ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy chúng hành xử như vậy, vì cả người lớn cũng không chấp nhận bị đối xử như thế. Ai mà không chán ghét những trò chơi mà mình không ưa nhưng cứ bị bắt phải làm? Điều này thực ra rất là tự nhiên, bởi vì những hoàn cảnh làm ta khó chịu thường ảnh hưởng xấu đến những gì trong trắng nhưng dính dấp đến hoàn cảnh đó: chẳng hạn như khi nhìn thấy một cái chén đã được dùng đựng loại thuốc đắng cũng đủ làm ta buồn nôn, dù rằng bây giờ chén đó có sạch sẽ, đẹp đẽ và được làm bằng vật liệu tốt nhất.

Đoạn 50

3. - Sau hết, một kỷ luật mù quáng tạo nên những cá tính nô lệ. Đứa trẻ phục tùng và giả bộ vâng lời chừng nào mà nó còn sợ hãi roi vọt; nhưng ngay khi nó thoát khỏi sự đe dọa này và không còn ở dưới mắt của ông thầy nữa và khi nó tự cho là mình sẽ không bị trừng phạt nữa thì nó mở rộng cửa cho các khuynh hướng tự nhiên của nó; các khuynh hướng này, thay vì bị làm yếu đi bởi các trừng phạt thì ngược lại được gia tăng mạnh mẽ hơn và nổ tung mãnh liệt hơn nữa; còn một giả thuyết khác nữa mà tôi sẽ nói sau.
© Học Viện Công Dân 2008


[1] Scylla và Charybdis là 2 con thủy quái trong thần thoại Hy Lạp nằm ở hai bên bờ eo biển Messina giữa Sicily và Ý đại lợi. Charybdis là con gái của Thần biển Poseidon, nhưng sau khi bị Zeus trừng phạt vì đánh cắp đàn súc vật của Hercules, bị hóa thành thủy quái tạo thành những vũng nước xoáy. Scylla là thủy quái 6 đầu ăn thịt người. Tàu bè vượt qua eo biển này rất khó khăn vì đi quá về bên nào cũng bị nguy hiểm. Từ đó, Scylla và Charybdis trở thành một thành ngữ chỉ tình trạng khó xử, ở trong một gọng kềm. 


Đoạn 51-54



Đoạn 51

4.  Nếu một sự nghiêm khắc tột bực đàn áp được đứa trẻ và ngay lúc đó sửa chữa được cá tính vô kỷ luật của nó, thì thường thường điều đó lại tạo ra nơi đứa trẻ một tình trạng tệ hại và nguy hiểm hơn nữa: đó là làm hư đầu óc của nó. Kết quả là thay vào chỗ của một thiếu niên nghịch ngợm, ta có một kẻ rầu rĩ, tinh thần yếu kém, kẻ mà sự điềm đạm phản tự nhiên của nó có thể làm những kẻ ngốc nghếch vui lòng, và những kẻ ca tụng những trẻ em ít hoạt động vì chúng chẳng ồn ào và không quấy phá ai hết; nhưng cuối cùng [sự thụ động này] lại gây khó chịu cho bạn bè của nó, và suốt cuộc đời nó chỉ là một kẻ vô tích sự cho chính mình và tha nhân.

Đoạn 52

Đánh đập và tất cả những hình thức trừng phạt thể xác và làm mất nhân cách không phải là những biện pháp kỷ luật thích ứng trong việc giáo dục đứa trẻ mà ta muốn đào tạo thành một con người khôn ngoan, lương thiện và thành thật; vậy ta nên hạn chế sử dụng chúng và chỉ dùng trong những trường hợp rất cần thiết và cùng cực. Mặt khác, cũng nên thận trọng, tránh không nên nịnh bợ đứa trẻ bằng cách cho nó những gì mà nó thích. Người nào cho con mình trái cây, kẹo bánh, hay những gì giống như thế để dỗ cho nó học bài chỉ khuyến khích khuynh hướng thích thú vui của nó; và làm như vậy là gia tăng xu hướng nguy hiểm mà đáng ra ta phải làm giảm đi và dẹp tan bằng mọi cách. Ta không thể có hy vọng tập cho nó làm chủ khuynh hướng thích thú vui khi mà một bên thì ta cản trở khuyng hướng này, còn bên kia thì lại cho nó được thỏa mãn.
Muốn trở thành một con người tốt, khôn ngoan và có đức hạnh, đứa trẻ phải biết vượt qua sự ham muốn, thắng lòng thèm muốn vật chất hay tránh ăn những gì làm thỏa mãn khẩu vị, v.v.... mỗi khi lý trí khuyên nó làm ngược lại, và khi bổn phận đòi hỏi như vậy. Nhưng khi ta lôi kéo nó làm một việc hợp lý bằng cách cho nó tiền, khi ta thưởng công nó bằng một miếng ăn ngon, khi ta hứa cho nó một cái cà vạt viền đăng ten hay một bộ áo quần đẹp để thưởng nó đã làm vài việc nhỏ, phải chăng khi ta cho các phần thưởng đó ta đã công nhận rằng chúng là những vật mà đứa trẻ nhắm vào, tức là khuyến khích nó phải ham muốn các thứ đó và làm cho nó quen thói tìm hạnh phúc nơi các phần thưởng? Nói một cách tổng quát, để cho trẻ em cố gắng học văn phạm, khiêu vũ hay các môn học đại loại như thế, ít quan trọng cho hạnh phúc và lợi ích của đời sống, cha mẹ đã sai lầm khi sử dụng phần thưởng và trừng phạt; họ hy sinh đức tánh của đứa trẻ, lật ngược các nguyên tắc giáo dục, và dạy nó sự xa hoa, tính tự phụ, sự thèm muốn, v.v... Thật vậy, bằng cách khuyến khích các khuynh hướng sai lầm mà đáng lẽ họ phải kiềm chế hay loại bỏ, cha mẹ đã đặt nền móng cho các tật xấu sau này; những tật xấu mà họ chỉ có thể chống phá bằng cách kiềm chế các thèm muốn của đứa trẻ và sớm tập cho chúng thói quen phục tùng lý trí.

Đoạn 53

Tuy nhiên, tôi không nói là ta phải cấm đoán không cho trẻ con hưởng những tiện nghi hay thú vui của cuộc sống, miễn rằng các thứ đó không phương hại đến sức khỏe hay đức hạnh của chúng. Trái lại, tôi muốn đời sống của chúng được càng thích thú càng dễ chịu càng tốt, với sự hưởng thụ bất cứ cái gì làm chúng ưa thích một cách vô hại; tuy nhiên với điều kiện là chúng phải thấy đó là những kết quả tự nhiên của lòng thương mến mà cha mẹ hay nhà giáo dục dành cho chúng; ta không bao giờ nên thưởng cho trẻ khi chúng làm việc gì một cách miễn cưỡng hay chỉ làm để hy vọng được thưỏng.

Đoạn 54

Nhưng nếu một bên ta không dùng roi vọt, và bên kia ta không cho những thứ để làm cho trẻ thích thú thì làm thế nào để giáo dục đứa trẻ? Lấy đi hy vọng được thưởng và sợ hãi bị phạt thì không còn kỷ luật nữa. Tôi nhìn nhận rằng sự tốt hay sự xấu, phần thưởng hay trừng phạt là những động cơ duy nhất đối với một con người có lý trí, [mà ta có thể ví] như là những cái đinh thúc ngựa, những dây cương hướng dẫn con ngựa; đó cũng là những động cơ cũng hướng dẫn toàn thể nhân loại.  Vì vậy ta phải dùng đến chúng và - tôi yêu cầu qúy vị phụ huynh và thầy giáo ghi nhớ điều này - ta phải xem trẻ con như là những con người có lý trí. 

Đoạn 55-58

 

Đoạn 55

Đúng vậy, tôi công nhận phần thưởng và trừng phạt phải được dùng với trẻ nếu ta muốn dạy dỗ chúng. Tôi nghĩ rằng lỗi là ở chỗ ta chọn sai những gì mà ta thường sử dụng. Các thú vui và những đau đớn thể xác không cho kết quả tốt khi ta dùng chúng như những phần thưởng và trừng phạt để tỏ quyền lực của ta với đứa trẻ; vì, như tôi đã nói ở trên, ta chỉ làm gia tăng các khuynh hướng của đứa trẻ, trong khi ngược lại, việc chính là phải kiếm chế chúng. Ta đã dạy cho đứa trẻ nguyên tắc đức hạnh nào khi mà ta không cho nó hưởng một thú vui này nhưng lại thay bằng một thú vui khác? Việc này chỉ có kết quả là làm gia tăng lòng ham muốn của nó và dạy cho nó ham muốn nhiều thứ hơn nữa. Nếu đứa trẻ khóc lóc để đòi một trái cây độc hại và nguy hiểm, ta lại mua chuộc sự yên lặng của nó bằng cách cho nó một món đồ ngọt ít độc hại hơn. Làm như vậy có thể bảo vệ sức khoẻ của nó nhưng ta đã làm hư hỏng trí óc nó và ta càng làm cho nó rối loạn hơn nữa. Thật vậy, ở đây ta chỉ thay đổi vật đứa trẻ muốn nhưng vẫn nuông chiều lòng ham muốn của nó; ta đã cho phép nó tự thỏa mãn và, như tôi đã nói, đây là nguồn gốc của sự lầm lỗi; và cho đến khi ta thành công trong việc làm cho đứa trẻ chấp nhận rằng sự ham muốn cuả nó không được thỏa mãn, thì trong lúc này, nó có thể yên lặng và ngoan ngoãn, nhưng ta chưa chữa được căn bệnh. Và khi làm như vậy, ta chỉ khích động và nuôi nấng nơi nó cái mầm mống của tất cả mọi tật xấu; và ta có thể chắc chắn rằng mầm mống này sẽ nổ tung dữ dội hơn nữa khi có cơ hội thuận tiện sớm nhất, làm cho đứa trẻ có những ham muốn mạnh mẽ hơn và cho gây cho ta nhiều phiền muộn hơn.

Đoạn 56

Các phần thưởng và trừng phạt mà ta sẽ dùng để giữ cho đứa trẻ biết làm bổn phận của mình thuộc vào loại khác, và chúng sẽ có ảnh hưởng mạnh đến nỗi mà, một khi ta đã áp dụng thành công thì tôi chắc rằng ta không cần làm gì  nữa. Danh dự và hổ thẹn là hai trong những động cơ mạnh mẽ nhất đối với tâm trí, khi tâm trí [bắt đầu] biết cảm nhận chúng. Nếu ta biết cách tạo cho đứa trẻ lòng yêu mến danh dự và sự hiểu biết thế nào là nhục nhã thì ta đã đặt trong trí óc đứa trẻ các nguyên tắc chân chính thật sự để luôn luôn dìu dắt chúng đến việc tốt. Nhưng làm sao mà làm được việc ấy?
Tôi phải thú nhận rằng, khi mới nghĩ, ta thấy công việc này chẳng phải dễ dàng gì; nhưng tôi nghĩ điều này cũng bõ công cho chúng ta tìm kiếm (và thực tập những nguyên tắc này khi đã tìm ra chúng), vì đó chính là một bí quyết vĩ đại của giáo dục.

Đoạn 57

Trước tiên, trẻ con--việc này xảy ra sớm hơn là ta tưởng--rất nhạy cảm với các lời khen, lời tán dương. Chúng thích được coi trọng, thương mến, đặc biệt bời cha mẹ và bởi tất cả những ai mà chúng phải nương tựa. Nếu người cha vuốt ve và khen ngợi con khi nó làm điều tốt, hay tỏ vẻ lạnh lùng, hờ hững khi chúng làm điều xấu, và cùng một lúc mẹ nó và tất cả những người chung quanh cũng làm như vậy, thì trong một thời gian ngắn đứa trẻ sẽ cảm thấy sự khác biệt; tôi chắc rằng phương pháp này, nếu được xử dụng liên tục, sẽ có ảnh hưởng trên trí óc đứa trẻ hơn là roi vọt và đe dọa; các loại trừng phạt kiểu này dần dần mất hiệu lực vì đứa trẻ sẽ nhờn đi và sẽ không có hiệu quả gì nữa khi nó không còn cảm thấy xấu hổ; như vậy ta không bao giờ nên áp dụng các loại trừng phạt đó, ngoại trừ trong những trường hợp đặc biệt tôi sẽ nói tới trong các phần sau.
Đoạn 58
Nhưng mặt khác, để cho ý niệm danh dự và hổ thẹn thấm sâu vào đứa trẻ và để cho ý niệm này mạnh hơn, những việc khác vừa thích thú vừa khó chịu phải được tiến hành song song cùng một lúc; không phải là những phần thưởng hay trừng phạt đặc biệt dành cho hành động này hay hành động khác của đứa trẻ, nhưng là những hậu quả cần thiết luôn luôn đến với đứa trẻ khi mà việc làm của nó đáng bị trừng phạt hay đáng được khen thưởng. Bằng phương pháp này, đứa trẻ dễ dàng hiểu ra rằng trẻ con nào đã cố gắng làm tốt thì đương nhiên được thương mến và nuông chiều bởi tất cả mọi người; trái lại, đứa trẻ mất lòng yêu mến của cha mẹ vì đã lầm lỗi và đã làm mất niềm tin của cha mẹ, đương nhiên phải hứng chịu sự lơ là và chê cười và kết quả là không được hưởng những gì có thể làm cho nó vui lòng và thích thú. Bằng phương cách này, những vật làm cho đứa trẻ ham muốn trở thành những thứ trợ giúp cho hạnh kiểm của nó, [nhất là] khi mà kinh nghiệm được hình thành từ thưở nhỏ dạy cho nó rằng những gì mà nó thích chỉ được dành cho và thuộc về những trẻ con ngoan ngoãn. Nếu bẳng những phương cách ấy ta thành công trong việc làm cho đứa trẻ biết hổ thẹn về hành động của mình (và tôi không muốn thấy có một trừng phạt nào khác) và làm cho nó thích được mến trọng, ta có thể làm cho nó trở thành tất cả những gì mà ta muốn, và nó sẽ yêu thích tất cả mọi mặt của đức hạnh.  


Đoạn 63-66

Đoạn 63
Nhưng nếu ta áp dụng đúng các phương pháp giáo dục tốt thì ta không cần đến những loại phần thưởng hay trừng phạt thông thường mà ta thường nghĩ đến hay áp dụng theo thói quen. Thật vậy, các hành động dại dột nhưng ngây thơ, các trò chơi của con trẻ, tất cả phải cho phép đứa trẻ chơi tự do, không hạn chế, chừng nào mà đứa trẻ vẫn tôn trọng những người hiện diện; các lỗi lầm này là những lỗi lầm của lứa tuổi chứ không phải là của chính bản thân đứa trẻ. Và nếu, đúng như ta phải làm,  để cho thời gian, cho sự bắt chước, cho năm tháng chín mùi sửa chữa các lỗi lầm ấy thì đứa trẻ sẽ tránh được các trừng phạt áp dụng không đúng lúc và không có hiệu qủa. Các trừng phạt này hoặc là không đàn áp được các khuynh hướng tự nhiên của đứa trẻ; và nếu cứ lập đi lập lại một cách vô ích thì khi thật sự cần dùng đến chúng sẽ không còn hiệu qủa nữa; hoặc là nếu chúng đủ mạnh để làm giảm niềm vui tự nhiên của tuổi trẻ, chúng chỉ làm hư thể xác và trí óc của đứa trẻ. Nếu khi trẻ con chơi, chúng gây tiếng ồn ào và gây xáo trộn, làm cho người có mặt khó chịu (sự việc này chỉ xảy ra khi cha mẹ có mặt ở đó) thì nếu cha mẹ biết dùng uy quyền của mình, một tiếng nói, một cái nhìn của cha hoặc mẹ cũng đủ làm cho chúng đi chơi chỗ khác hay làm chúng yên lặng một thời gian. Nếu ta muốn kích thích trí óc, gia tăng thể lực và sức khỏe của đứa trẻ thì tốt hơn hết là nên khuyến khích hơn là la mắng, đánh đập, đàn áp cái tâm trạng vui nhộn này mà thiên nhiên dành cho lứa tuổi và tâm tính đứa trẻ vào lúc đó. Nghệ thuật cao nhất là biến tất cả những gì đứa trẻ làm thành những trò chơi thích thú.
Đoạn 64
Ở đây, hãy cho tôi nhấn mạnh đến một lỗi lầm trong phương pháp mà người ta thường dùng trong giáo dục: đó là việc nhồi nhét trí óc đứa trẻ trong mọi trường hợp với những luật lệ và lời giáo huấn mà nó không thể hiểu và sẽ quên ngay. Nếu đó là một việc mà ta muốn đứa trẻ làm, và cứ mỗi lần nó quên đi hay làm không tốt, thì ta hãy bắt nó lập đi lập lại cho đến khi có kết quả tốt. Làm như vậy có hai lợi ích: thứ nhất là nhận xét xem đó có phải là một việc mà trẻ con có khả năng thực hiện được hay không, hay là việc ta muốn trẻ làm có hợp với lứa tuổi của nó hay chưa; bởi vì có nhiều khi ta đòi hỏi nơi đứa trẻ những việc mà sau đó nó không thể làm đuợc; vậy nên phải dạy nó cách làm và tập cho nó làm. Nhưng nguời thầy thấy rằng ra lệnh dễ dàng hơn là dạy bảo! Lợi ích thứ hai là nên bắt đứa trẻ lập đi lập lại một hành động cho đến khi trở thành một thói quen thì đứa trẻ không cần dùng trí óc để nhớ và để suy nghĩ nữa, hai sự việc vượt ngoài lứa tuổi của nó; việc lập đi lập lại làm cho hành động của đứa trẻ trở nên tự nhiên. Vì vậy mà việc cúi gập người để chào hỏi, việc nhìn vào mắt người đang đối thoại, là những việc mà, nhờ đã thành thói quen, một người có giáo dục làm một cách tự nhiên cũng như hít thở vậy, một cách tự nhiên không cần phải suy nghĩ. Nếu ta dùng phương pháp ấy để sửa chữa lỗi lầm của đứa trẻ, nó sẽ không bao giờ phạm lỗi ấy nữa; và từng lỗi, từng lỗi một ta có thể loại hết tất cả để thay vào đó gieo những thói quen tốt mà ta muốn.
Đoạn 65
Tôi đã thấy nhiều bậc cha mẹ nhồi nhét vào đầu óc con cái nhiều luật lệ đến nỗi những đứa trẻ đáng thương này không nhớ được một phần mười các luật lệ đó, đừng nói gì đến việc thi hành chúng. Thế nhưng, cha mẹ vẫn trừng phạt con cái bằng rầy la hay đánh đập nếu chúng quên các luật lệ quá nhiều và phi lý ấy. Vậy kết qủa đương nhiên là bọn trẻ không lưu ý gì nữa đến những lời ta nói, vì chúng thấy rằng dù có lưu ý đến mức nào đi nữa thì cũng phạm lỗi và không thoát khỏi sự trừng phạt đi liền theo sau.
Vậy thì hãy cho con cái bạn càng ít luật lệ càng tốt, ít tốt hơn là nhiều, ngay cả các luật lệ mà ta thấy rất cần thiết. Thật vậy, nếu ta đưa ra quá nhiều luật lệ, thì sẽ xảy ra một trong hai trường hợp: hoặc là cần phải trừng phạt đứa trẻ thường xuyên: kết quả sẽ không tốt vì ta sẽ làm cho đứa trẻ lờn với trừng phạt; hoặc là ta để cho đứa trẻ vi phạm vài luật lệ rồi ta bỏ qua đi; làm như vậy, đứa trẻ sẽ quen thói coi thường luật lệ và uy quyền của cha mẹ sẽ bị giảm đi. Vậy chỉ nên đặt ra một số thật ít luật lệ; nhưng một khi luật lệ đã được đặt ra thì bắt buộc con cái phải tuyệt đối tuân hành. Đối với một đứa trẻ ít tuổi thì chỉ cần ít luật lệ; khi nó lớn, và khi luật lệ được thi hành tốt thì ta có thể thêm đìều luật khác.
Đoạn 66
Nhưng, tôi xin qúy vị nhớ rằng ta không giáo dục trẻ con bằng những luật lệ mà chúng không thể nhớ hết được. Tất cả những gì mà chúng cần phải làm, ta nên tạo thành thói quen cho chúng bằng cách bắt thực hành liên tục mỗi khi có cơ hội làm việc đó, và  tạo ra các cơ hội đó nếu cần. Như vậy, trẻ con sẽ hành động một cách dễ dàng và tự nhiên theo thói quen, không cần đến trí nhớ nữa. Nhưng phải lưu ý đến điều này: trước hết hãy tạo các thói quen đó bằng những lời nói ân cần, những lời khuyên dịu dàng làm như là ta muốn nhắc nhở đìều gì mà chúng quên; nên tránh các lời la rầy nghiêm khắc làm như là chúng cố ý phạm tội quên các luật lệ. Một việc nữa là tránh không nên tạo nhiều thói quen cùng một lúc: ta chỉ làm cho trí óc trẻ bị rối ren và không đạt được kết quả gì hết. Chỉ khi nào trẻ quen thói làm việc gì một cách dễ dàng, tự nhiên và không suy nghỉ thì ta mới dạy thêm một thói quen khác.
Phưong pháp dạy trẻ con bằng cách bắt lập đi lập lại một hành động dưới sự quan sát và hướng dẫn của người thầy cho đến khi đứa trẻ đạt được thói quen và không phải dùng đến trí nhớ, có quá nhiều thuận lợi - dù xét dưới khiá cạnh nào đi nữa -  đến nỗi tôi không thể tự hỏi rằng tại sao người ta bỏ quên nó. Tôi đưa ra một thuận lợi mà tôi vừa mới nghĩ đến. Bằng phương pháp này ta sẽ xem những gì mà ta đòi hỏi nơi đứa trẻ có thích hợp với khả năng, với thiên tư và với cơ thể của nó không? Một việc ta phải lưu ý đến trong mọi phương pháp giáo dục đúng đắn. Ta không thể hy vọng thay đổi tính tình tự nhiên của đứa trẻ mà không làm cho nó bị tổn thương, như thay đổi một đứa trẻ vui vẻ, hoạt động thành một đứa trầm ngâm, trang nghiêm, hay một đứa trẻ u buồn thành một đứa hoạt động. Thượng đế đã tạo ra mỗi người với những cá tính riêng; các cá tính này cũng như các nét của hình dạng có thể được sửa chữa chút ít nhưng khó có thể sửa chữa hoàn toàn và chuyển đổi qua một hình thức trái ngược.
Vậy kẻ nào phụ trách giáo dục trẻ em phải nghiên cứu kỹ lưỡng bản tính và khả năng của chúng; bằng những thực nghiệm thường xuyên xem bản tính và khả năng ấy thiên về khuynh hướng nào và phát triển ra sao; quan sát bản tính của đứa trẻ, làm thế nào để cho nó tốt hơn và thích ứng với cái gì. Người làm giáo dục phải xem trẻ thiếu cái gì, xem chúng có thể đạt được các thứ ấy bằng cách chuyên cần luyện tập không; xem có nên tốn công sức luyện tập không. Vì trong nhiều trường hợp, tất cả những gì mà ta có thể làm, mà ta nhắm đến, là sử dụng một cách tốt nhất những gì thiên nhiên đã cho, hoặc bằng cách ngăn ngừa các tật xấu và các lỗi lầm đến với mỗi tính tình, hoặc phát triển các tính tốt sẵn có. Thiên tư của mỗi người nên được phát triển càng nhiều càng tốt; nhưng nếu ta cố gắng gán cho mỗi người một thiên tư mà nó không có, thì chỉ luống công mà thôi, và chỉ tạo nên cái vỏ bề ngoài cứng ngắc, thô kệch và kiểu cách giả tạo. 


Đoạn 71-81



Đoạn 71

Sau khi đã nhận xét về tầm ảnh hưởng lớn mạnh của bạn bè và thích bắt chước người khác của tất cả chúng ta - nhất là lúc còn trẻ - tôi muốn lưu ý các bậc phụ huynh một điều: người nào muốn con cái kính trọng và nghe lời mình thì trước hết phải tôn trọng chúng. Maxima debetur pueris revenrentia (ta phải hết lòng kính trọng trẻ con). Trước mặt đứa trẻ ta không nên làm gì mà ta không muốn nó bắt chước làm theo. Nếu chẳng may ta làm điều gì mà  khi đứa trẻ làm ta cho đó là một lầm lỗi, ta có thể chắc chắn rằng, để chạy tội, nó sẽ nói là nó noi gương ta; ta sẽ không dễ dàng gì để bắt lỗi và sửa chữa nó. Nếu ta phạt nó về một hành động mà nó thấy chính ta đã làm, nó sẽ nghĩ rằng sự nghiêm khắc của ta không do tình thương và không phải vì ta lo lắng sửa chữa lỗi lầm của nó; nó chỉ xem đó là do sự cáu kỉnh và sự độc đoán của một người cha không muốn cho con mình tự do hưởng những thú vui mà không có một lý do chính đáng nào. Và nếu ta cho rằng ta có tự do làm bất cứ việc gì vì đã trưởng thành, và rằng con trẻ không có quyền làm như vậy, thì cái gương của ta sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn và càng làm cho hành động của ta thêm hấp dẫn đối với trẻ. Ta phải luôn luôn nhớ rằng trẻ con muốn làm ra vẻ người lớn sớm hơn ta tưởng; và chúng thích mặc quần, không phải vì lối cắt hay hay vì được thoải mái hơn, nhưng vì mặc quần là một dấu hiệu hay một bước tiến đến tuổi trưởng thành. Những gì mà tôi nói về thái độ của người cha trước mặt con cái cũng áp dụng cho tất cả những ai có quyền hành trên đứa trẻ, hoặc những ai ta muốn con trẻ phải kính trọng.

Đoạn 73

Bất cứ trẻ con học cái gì, ta cũng không nên tạo thành một gánh nặng cho chúng, hay là bắt chúng xem đó như là một nhiệm vụ. Mọi việc học hành trong những điều kiện đó sẽ gây nên khó chịu; trẻ sẽ thấy chán ngấy dù rằng trước đó chúng có thích hay dửng dưng với việc ấy. Ta hãy ra lệnh cho một đứa trẻ chơi con vụ mỗi ngày vào một giờ nhất định dù nó có muốn chơi hay không; hãy ép buộc nó, chơi nhiều giờ sáng và chiều, xem trò chơi này như là một bổn phận, ta sẽ thấy rằng trẻ sẽ chán ngấy trò chơi ấy cũng như là chán ngán bất cứ trò chơi nào mà nó bị ép buộc chơi trong những điều kiện như vậy. Người lớn không như vậy sao? Những gì mà họ tự làm một cách thích thú chẳng phải đã trở thành gánh nặng khi họ phải làm như là một nhiệm vụ hay sao? Ta nghĩ gì về trẻ con cũng được, nhưng chắc chắn là chúng cũng có lòng kiêu hãnh như người lớn; chúng muốn chứng tỏ rằng chúng có đầu óc tự do, rằng những việc làm tốt là do chính chúng làm và chúng hoàn toàn độc lập, như người lớn chúng ta.  Xin hãy nghĩ về điểm này.

Đoạn 74

1.      Một hệ quả của điều vừa nói trên là ta không nên bắt trẻ con làm ngay cả những việc ta muốn chúng làm, mà chỉ nên bắt chúng làm những việc chúng có sở thích hoặc chú tâm vào. Những người thích đọc sách, viết văn, chơi nhạc, ... dư biết rằng có những lúc chính họ cũng không thích thú làm các thứ đó; và nếu vào những lúc đó, họ tự ép mình đọc sách, viết văn, chơi nhạc thì chỉ làm cho họ bực bội và mệt nhọc. Trẻ con cũng vậy. Vậy ta nên chú ý quan sát sự thay đổi tâm trạng nơi đứa trẻ và ta hãy mau mau nắm lấy những cơ hội thuận tiện khi nó sẵn sàng thu nhận những gì mà ta dạy; và nếu khi nó không tự chuẩn bị sẵn sàng thì, ta nên tập cho chúng có những sở thích ấy, trước khi trí óc chúng bị bận vào những việc khác.
Tôi không cho rằng đó là một việc khó khăn đối với một người thầy khôn ngoan; ông ta đã quan sát tính tình của học trò; ông ta sẽ không thấy gì khó khăn tạo nơi trí óc của đứa trẻ những kích thích hầu làm cho nó thích thú học; làm như vậy, ta sẽ tiết kìệm được vô số thời giờ và ít tốn công sức hơn: bởi vì một đứa trẻ thích thú học tập sẽ học được ba lần nhiều hơn, và nó sẽ phải mất gấp đôi thì giờ và công sức để học nếu nó bị ép buộc học hành một cách miễn cưỡng. Nếu việc này được thi hành một cách đúng đắn, ta có thể cho đứa trẻ chơi đùa thỏa thích và lại còn có đủ thì giờ để học những gì thích hợp với lứa tuổi của nó. Nhưng trong phương pháp giáo dục thông thường, người ta không làm và sẽ không làm như vậy. Cái kỷ luật cứng rắn của roi vọt được căn cứ trên những nguyên tắc khác: nó không tìm cách làm cho sự học hành trở nên thích thú, nó không lưu ý đến tâm trạng của đứa trẻ, không tìm kiếm những cơ hội thuận tiện để học hỏi. Và thật vậy, khi mà bằng sự cưỡng ép và bằng roi vọt ta đã làm cho đứa trẻ chán ghét học tập thì thật là lố bịch nếu ta mong nó tự ý ngừng chơi đùa và tự đi kiếm cơ hội để học tập; trong khi nếu ta biết cách làm tốt thì dù rằng ta muốn đứa trẻ học cái gì đi nữa, đứa trẻ sẽ thích thú học như là chơi và chơi như là học. Đối với trẻ con, khi đó sự khó nhọc giữa học và chơi trở nên giống nhau, nhưng chúng không lấy thế làm phiền, vì chúng thích dược náo nhiệt, và những sự thay đổi và nhiều loại khác nhau là những điều khiến chúng vui thích. Dưới mắt đứa trẻ, cái hấp dẫn trong trò chơi là nó hoàn toàn được tự do; nó tự làm khổ tùy theo ý muốn (ta có thể thấy rằng nó không bao giờ sợ phí sức). Ngược lại, học hành là một sự cưỡng ép: người ta gọi nó, người ta ép buộc nó, người ta dùng sức mạnh bắt nó học. Ngay từ đầu đó là những gì làm cho nó ngần ngại và nguội lạnh: nó muốn có sự tự do của nó. Hãy làm sao để chính đứa trẻ xin thầy cho nó học cũng như nó đã nhiều lần gọi bạn bè đi chơi; thay vì để thầy giáo gọi nó đi học, nó sẽ hài lòng thấy mình được tự do trong việc học cũng như trong các việc khác; nó sẽ hăng hái trong việc học cũng như trong lúc chơi; nó sẽ không thấy có sự khác biệt giữa học và chơi. Nếu ta áp dụng phương cách ấy một cách thận trọng, ta có thể hướng dẫn đứa trẻ học tất cả những gì mà ta muốn dạy nó. Tôi công nhận rằng việc khó khăn nhất là giáo dục đứa con cả, nhưng một khi nó đã đi vào con đường ta muốn, thì nhờ nó, ta sẽ dễ dàng thành công với những đứa sau.

Đoạn 81

Một việc có thể gây ngạc nhiên là tôi đề nghị lý luận với đứa trẻ; nhưng thật ra, tôi thấy đó là phương cách tốt nhất để đối xử với trẻ con. Chúng hiểu lý luận ngay khi chúng biết nói; và nếu tôi không lầm thì chúng thích được đối xử như những sinh vật có lý trí sớm hơn là ta tưởng. Ta nên nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh đó ở chúng, và ta phải sử dụng càng nhiều càng tốt niềm kiêu hãnh đó như là một dụng cụ để hướng dẫn chúng.
Nhưng khi tôi nói đến lý luận, tôi chỉ muốn đề cập đến các loại lý luận thích hợp với khả năng và sự hiểu biết của đúa trẻ. Không ai có thể nghĩ rằng ta có thể lý luận với một đứa trẻ lên ba hay lên bảy như với một người trưởng thành. Các bài diễn văn dài dòng, các lý luận triết lý chỉ là cho nó ngạc nhiên và bối rối chứ không dạy dỗ gì được. Khi tôi nói phải đối xử với trẻ con như là những sinh vật có lý trí, tôi cho là ta phải làm cho nó hiểu được bằng những cử chỉ dịu dàng của ta, bằng thái độ trầm tĩnh khi ta sửa chữa nó, rằng cái gì ta làm là hợp lý, ích lợi và cần thiết cho nó; rằng không phải là do ta bốc đồng, xúc động mà ta bắt nó làm cái này hay cấm cái kia. Trẻ con có thể hiểu được việc này; và tôi không nghĩ rằng ta có thể khuyên bảo trẻ con chấp nhận một tính tốt hay tránh xa một tật xấu; nhưng ta phải dùng những lý luận thích ứng với sự hiểu biết và tuổi tác của chúng, và phải giảng giải một cách rõ ràng, ngắn gọn. Các nguyên tắc căn bản của bổn phận, các cội rễ của sự phải và sự trái mà từ đó sinh ra bổn phận, tất cả những việc này cũng không phải dễ dàng mà giải thích ngay cả cho người lớn, khi họ không quen trừu tượng hoá suy nghĩ của họ từ các ý kiến thông thường mà họ nhận được. Trẻ con lại càng không thể lý luận trên những nguyên tắc xa vời. Chúng không có khả năng suy luận dài dòng. Các lý luận mà chúng chấp nhận đuợc là những lý luận quen thuộc, ngang tầm với suy nghĩ của chúng, những suy luận, mà ta có thể nói, phải giống như những gì chúng cảm được và sờ được. Nhưng tuy nhiên, nếu ta lưu ý đến tuổi tác, đến tâm trạng và sở thích của đứa trẻ, không bao giờ ta thiếu những động cơ đủ mạnh để thuyết phục nó. Và nếu ta không tìm được một động cơ nào đặc biệt hơn, thì vẫn có một việc khiến cho nó xa lánh lỗi lầm mà nó có thể phạm phải, đó là dạy cho nó biết xấu hổ trước những việc làm sai quấy và làm ta phật lòng. 

Đoạn 95-133



Đoạn 95

Nhưng hãy trở lại phương pháp của chúng ta. Tôi có nói rằng sự kính trọng mà người cha tạo nên trong trí óc đứa trẻ bằng dáng vẻ nghiêm trang là điều kiện thiết yếu của một nền giáo dục tốt; tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ta không nên tiếp tục cư xử như thế với trẻ dù khi  chúng còn ở dưới sự giám hộ của ta. Ngược lại, tôi cho rằng ta phải giảm bớt sự nghiêm khắc này khi tuổi, sự khôn ngoan và hạnh kiểm của chúng cho phép ta làm như vậy. Khi đứa trẻ lớn lên và có thể hiểu được thì người cha nên trò chuyện thân mật với con, như là hỏi ý kiến hay trao đổi ý kiến về những gì mà nó biết. Làm như vậy, ngưòi cha đạt được hai việc, cả hai rất quan trọng. Một là chuẩn bị trí óc đứa trẻ cho những suy nghĩ quan trọng; như vậy tốt hơn là dẫn nó đến đó bằng những luật lệ, lời khuyên. Ta càng cư xử với nó như là một người lớn càng sớm, thì nó càng mau trở thành người lớn: và nếu đôi khi ta cho phép nó tranh luận với ta về những vấn đề nghiêm trọng, ta vô tình nâng cao trí óc nó lên trên những trò chơi và những công việc vặt vãnh của tuổi trẻ. Thật vậy, ta dễ dàng nhận thấy nhiều thanh niên tiếp tục nghĩ và nói như là những đứa học trò nhỏ sau khi chúng đã qua tuổi đó chỉ vì cha mẹ luôn luôn xa cách chúng và giữ mãi chúng trong hạng tuổi đó bằng mọi lối cư xử của mình. 

Đoạn 118

Sự tò mò của trẻ em mà tôi đã có dịp đề cập đến trong đoạn 108 chì là sự mong muốn hiểu biết; nó nên được khuyến khích, không phải vì tò mò là một dấu hiệu tốt, nhưng đó còn là một dụng cụ quan trọng mà thiên nhiên cung cấp để đánh tan sự dốt nát mà ta có khi sinh ra đời, một sự dốt nát mà, nếu không có tính tò mò đó, sẽ làm chúng ta trở nên những con người đần độn và vô ích. Để khuyến khích tính tò mò, để giữ cho nó luôn luôn sinh động, ta nên dùng các phương cách sau:

  1. Ta không nên loại bỏ, coi thường bất cứ câu hỏi nào của đứa trẻ; không để cho người khác chế nhạo nó; nhưng nên trả lời tất cả các câu hỏi của đứa trẻ; giảng dạy cho nó những gì mà nó muốn biết một cách dễ hiểu, thích ứng với tuổi và trỉnh độ hiểu biết của nó. Nhưng đừng làm nó rối trí bởi những lời giảng dạy, những khái niệm vượt quá khả năng của nó, hay bẳng quá nhiều khái niệm không liên hệ gì đến vấn đề nó muốn biết. Trong câu hỏi của đứa trẻ, hãy chú ý đến điểm mà nó muốn biết và đừng để  ý đến ngôn ngữ nó sử dụng: khi ta đã giảng giải cho nó và nó đã được thỏa mãn ta sẽ thấy trí óc của nó tự mở mang ra, và bằng những câu trả lời chính xác và thích hợp ta có thể dìu dắt trí óc nó đi xa hơn là ta tưởng. Đó là bởi trẻ con thích thú với sự hiểu biết, cũng như con mắt thích thú với ánh sáng. Trẻ con say mê hiểu biết và thích thú khi đạt được sự hiểu biết, nhất là khi thấy người khác để ý đến các câu hỏi của chúng, rằng sự mong muốn hiểu biết được khuyến khích và tán thưởng. Và tôi không nghi ngờ chút nào rằng lý do lớn nhất khiến cho trẻ con quên mình trong các môn giải trí ngớ ngẩn và phí thời giờ trong những trò chơi vô vị là bởi vì cha mẹ chúng thiếu khéo léo, trách mắng sự tò mò của chúng và lơ là không trả lời các câu hỏi của chúng. Nhưng nếu ta săn sóc, thương mến con trẻ nhiều hơn, nếu ta trả lời các câu hỏi của chúng một cách đứng đắn để thoả mãn chúng, tôi chắc chắn rằng trẻ con sẽ thích thú nhiều trong việc học tập, cũng như gia tăng sự hiểu biết với những đề tài mới lạ dưới nhiều dạng thức khác nhau; những sự việc này làm cho chúng thích thú hơn là luôn luôn phải trở về với cùng một trò chơi và những món đồ chơi giống nhau.

Đoạn 119


  1. Không những ta phải trả lời một cách nghiêm chỉnh các câu hỏi của trẻ con và dạy cho chúng những gì mà chúng muốn biết, như thể đó là những điều mà chúng xem là quan trọng và thật sự muốn biết, mà ta lại còn phải khuyến khích thêm cái tính tò mò ấy. Trước mặt những người mà chúng kính nể, ta nên ngợi khen trẻ về những hiểu biết của chúng; và vì, ngay từ thưở còn nằm trong nôi, chúng ta ai cũng là những sinh vật tự phụ và kiêu hãnh, nên ta hãy ngợi khen lòng tự hào của chúng bằng những gì có thể làm cho chúng tiến bộ; và hãy để cho sự hãnh diện  hướng những hoạt động của chúng về những điều có thể làm lợi cho chúng. Nếu áp dụng những nguyên tắc này, ta sẽ thấy rằng không có một động cơ nào khiến trẻ con ham học những gì mà ta muốn lại mạnh mẽ cho bằng việc giao cho chúng dạy lại cho các em nhỏ những gì chúng biết.

Đoạn 120


  1. Ta không bao giờ nên coi thường các câu hỏi của trẻ con, nên ta phải cẩn thận không bao giờ cho chúng những câu trả lời thiếu chính xác và giả dối. Trẻ con dễ dàng nhận thấy khi chúng bị lơ là hay bị lừa dối; và chúng mau chóng học thói xao lãng,  giấu giếm và lừa dối khi chúng thấy người khác làm như vậy. Bổn phận của chúng ta là phải tôn trọng sự thật, nhất là khi nói chuyện với trẻ con; vì nếu ta không thành thật với chúng, không những ta không đáp ứng các mong đợi,  ngăn chặn sự hiểu biết của chúng, mà ta còn làm hỏng sự thơ ngây và dạy cho chúng những tật xấu tệ hại nhất. Trẻ con như là những du khách mới đến một xứ hoàn toàn xa lạ; vậy chúng ta phải để tâm đừng lừa dối chúng. Và nhiều khi các câu hỏi của trẻ con có vẻ như là không đáng kể, ta cũng phải trả lời đứng đắn; vì đối với chúng ta, những người đã biết câu trả lời từ lâu, các câu hỏi ấy có vẻ như không đáng được đặt ra, nhưng với đứa trẻ chưa biết gì câu hỏi ấy rất quan trọng. Những gì quen thuộc với chúng ta thật ra vẫn còn xa lạ với trẻ con; tất cả những điều đến với chúng là những gì mới mẻ, cũng như đối với ta trước kia: hạnh phúc thay những ai gặp được những người văn minh, thấy được sự dốt nát của mình và giúp mình thoát khỏi sự ngu dốt đó!

Đoạn 133

Đây là những gì tôi suy nghĩ về phương pháp tổng quát để giáo dục một thiếu niên gia giáo, có tư cách và học thức;[1] và theo tôi, tuy rằng phương pháp này có chút ảnh hưởng đến toàn bộ giáo dục của anh ta, nhưng tôi không cho rằng phương pháp đó chứa đựng tất cả các đặc thù mà sự khôn lớn và tính tình anh ta đòi hỏi. Nhưng sau khi trình bày các tiền đề tổng quát này, sau đây tôi sẽ đề cập đến nhiều khía cạnh của giáo dục một cách chi tiết hơn.
© Học Viện Công Dân 2008


[1] Trong nguyên tác Locke dùng từ "gentleman". Từ này theo Anh ngử thời của Locke chỉ những người thuộc dòng dõi quý tộc hay những người có của ăn của để (từ điền sản hoặc từ của hương hỏa) và không phài làm lụng vất vả để kiếm sống. Hiểu theo nghĩa hiện đại, từ này chỉ những người có tư cách và học thức. 


Đoạn 134-141



Đoạn 134 - Đức Dục

Điều mà mọi người cha biết lo lắng đến sự giáo dục của con mình muốn cho nó có, ngoài cái sản nghiệp để lại, gồm có bốn điều : đức hạnh, sự khôn ngoan, phép lịch sự và học vấn. Tôi không quan tâm lắm đến việc những từ ấy nhiều khi được dùng đến để cùng nói lên một điều hay là từ này được hàm chứa trong từ khác. Tôi dùng chúng trong cái nghĩa thông thường được chấp nhận và hy vọng rằng độc giả cũng hiểu được một cách dễ dàng.

Đoạn 135

Tôi đặt đức hạnh lên hàng đầu của các đức tính mà một con người, có học hay không, cũng cần có: nó tuyệt đối cần thiết nếu ta muốn được người khác kính trọng, thương mến, và [giúp ta] hài lòng với chính mình. Không có đức tính này, ta sẽ không có hạnh phúc trong cõi đời này và ngay cả trong đời sau.

Đoạn 140

Theo nghĩa thông thường được chấp nhận, sự khôn ngoan là đức tính giúp con người làm ăn một cách khéo léo và biết nhìn xa. Đây là kết quả của một sự trộn lẫn của một bản chất tốt, cộng với sự vận dụng của trí óc cùng với kinh nghiệm: và vì thế, nó ở ngoài tầm tay của trẻ con. Về điểm này, cái tốt nhất mà ta có thể làm được là ngăn ngừa đứa trẻ đừng mưu mẹo, mánh khoé. Thật vậy, mưu mẹo, mánh khoé, tuy rằng là bắt chước khôn ngoan, nhưng là hình thức rất xa vời của khôn ngoan, cũng như con khỉ, tuy rằng giống con người, nhưng nếu lấy đi những nét làm nó giống con người, thì nó càng xấu xí hơn. Mưu mẹo, mánh khoé chỉ là sự thiếu sót của sự hiểu biết: vì không thể đạt đến mục đích bằng con đường thẳng, nó dùng đến thủ đoạn, mưu kế; và mối nguy hại của nó là ta chỉ có thể dùng mưu mẹo một lần thôi; sau đó nó chỉ đem hại đến cho ta. Ta không bao giờ có thể tạo nên một bức màn lớn và khéo léo đến nỗi có thể che đậy ta được. Không ai có thể khéo đến độ che dấu được con người của mình mãi mãi; và một khi đã bị lột mặt nạ xuống thì kẻ ấy sẽ bị mọi người xa lánh, nghi ngờ, và sẽ liên kết lại để chống đối và đánh bại. Trong khi đó, một người cởi mở, thật thà và khôn ngoan được mọi người chấp nhận và cộng tác. Hãy làm cho đứa trẻ quen thói có cái nhìn đúng đắn về mọi việc; và không tự thỏa mãn cho đến khi đạt đến việc đó; hãy nâng cao trí óc nó đến những tư tưởng cao xa và xứng đáng; và hãy tập cho nó xa lánh những sự dối trá và mưu mẹo, vì trong mưu mẹo luôn luôn có dối trá: đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho đứa trẻ đạt được sự khôn ngoan. Việc còn lại sẽ được học qua thời gian, kinh nghiệm và quan sát, với sự giao thiệp với những người khác để tìm hiểu tính tình và ý định của họ. Ta không nên mong đợi tất cả những việc này khi tuổi trẻ còn thiếu hiểu biết, bất cẩn hay bồng bột. Tất cả những gì mà ta làm được trước khi trẻ đạt đến tuổi trưởng thành là tập cho nó có thói quen làm một con người thật thà, biết phục tùng lý trí và, càng nhiều càng tốt, biết suy nghĩ về các hành động của chính mình.

Đoạn 141

Đức tính tiếp theo của một con người có học là phép lịch sự. Có hai loại bất lịch sự: thứ nhất là sự rụt rè, ngượng ngịu; và loại thứ hai là sự vô ý tứ và thiếu tôn trọng nguời khác. Ta có thể tránh cả hai loại này bằng cách tuyệt đối thi hành điều luật: đừng nghĩ xấu cả về mình cũng như về người khác. 

Đoạn 147-217



 Đoạn 147 - Trí Dục

Có thể bạn ngạc nhiên rằng tôi để phần nói về học vấn vào đoạn cuối, nhất là nếu tôi nói rằng đối với tôi đó là phần ít quan trọng nhất của giáo dục. Sự việc này có thể lạ lùng từ miệng của một học giả; và sự mâu thuẫn lại càng lớn hơn khi người ta thường cho rằng học vấn là điều chính, nếu không nói là độc nhất, mà cha mẹ nghĩ đến khi nuôi nấng con cái. Khi tôi nghĩ đến công sức bỏ ra để học một chút tiếng La Tinh hay tiếng Hy Lạp, đến số năm dành ra để học các môn ấy, đến sự ồn ào và sự khó khăn để đi đến con số không, tôi không thể không nghĩ rằng cha mẹ vẫn còn sợ hãi cây roi của thầy giáo, và dưới mắt họ cây roi là dụng cụ duy nhất của giáo dục mà mục đích độc nhất là học được một hay hai thứ tiếng đó. Làm sao giải thích khác được việc cha mẹ xiềng xích con cái như những tên tội nhân chèo thuyền trong bảy, tám năm đẹp nhất của đời chúng nó để bắt chúng học một, hai thứ tiếng; một việc mà tôi cho rằng chúng có thể đạt được một cách dễ dàng hơn với ít thì giờ và công sức hơn, và gần như vừa học vừa chơi.
Hãy thứ lỗi cho tôi nếu tôi nói rằng tôi mất kiên nhẫn khi thấy một thiếu niên bị ép buộc vào lớp học như một con vật, bắt buộc phải học dưới ngọn roi, ad capiendum ingenii cultum (để trau dồi trí tuệ) nhưng mà người ta sẽ nói, "bạn không muốn đứa trẻ biết đọc biết viết sao? Bạn muốn nó ngu dốt hơn tên thư ký của xứ đạo ta, một tên đã xem Hopkins và Sternhold như là những nhà thơ lớn nhất thế giới; hắn ta còn làm hai nhà thơ này tệ hơn thế nữa bằng cách xướng lên thơ của hai ông ấy." Xin qúy vị đừng vội. Học đọc, học viết và học vấn nói chung, tất cả những thứ này đều cần thiết. Nhưng tôi không nghĩ rằng đó là việc chính của giáo dục. Tôi cho rằng bạn có thể xem một người nào đó  là một kẻ ngốc khi anh ta tôn trọng một nhà thông thái danh tiếng hơn là tôn trọng một người đức hạnh và khôn ngoan. Theo tôi học vấn không phải là không ích lợi cho một người mà tâm trí đã phát triển để giúp họ trở nên khôn ngoan và có đức hạnh; nhưng ta phải công nhận rằng, đối với con người tâm trí chưa phát triển, học vấn chỉ làm cho họ ngây ngô hay trở thành người xấu hơn. Tôi nói lên sự việc này để đến khi bạn lo lắng cho sự giáo dục của con cái, khi bạn gửi con đến trường hay tìm một người dạy tại nhà, bạn không chỉ kiếm người biết tiếng La Tinh hay biết môn luận lý như người ta thường làm. Ta cần đến học vấn, nhưng chỉ nên để nó ở hàng thứ yếu, phụ thuộc vào các đức tính cao cả hơn. Vậy hãy nên kiếm một người biết dạy lối cư xử một cách tế nhị; trong tay người đó, bạn có thể bảo đảm sự ngây thơ của con cái bạn, phát triển và nuôi dưỡng các khuynh hướng tốt của chúng, từ từ sửa đổi các thói xấu, và giúp chúng có những thói quen tốt. Đó là điểm quan trọng. Một khi đạt đến đó, học vấn có thể xem là món được tặng thêm; và theo tôi với một cái giá rất hời bằng những phương pháp mà ta suy nghĩ đến.

Đoạn 148

Khi trẻ biết nói, đấy là lúc bắt đầu tập cho nó đọc. Nhưng về điểm này, hãy để tôi nhắc lại việc mà người ta thường quên: ta phải lưu ý tránh làm cho việc tập đọc trở thành một công việc cho đứa trẻ, và tránh cho đứa trẻ xem đó là một công việc. Như tôi đã nói, ngay từ thuở còn nằm nôi, chúng ta yêu mến tự do một cách tự nhiên và chúng ta ghét vô số chuyện mà không cần có lý do, chỉ vì ta bị ép buộc. Tôi luôn luôn nghĩ rằng việc học có thể trở thành một trò chơi, một thú tiêu khiển đối với trẻ con; và ta có thể làm cho trẻ thích học, nếu trẻ xem sự học như là một việc đáng trọng, một trò giải trí thích thú hay như là một phần thưởng vì đã làm xong một cái gì; và nếu ta không bao giờ la rầy hay sửa chữa chúng vì đã lơ là việc học hành. Cái làm cho tôi vững tin nơi ý kiến này là, đối với người Bồ Đào Nha, việc học đọc, học viết là một thời trang, một sự ganh đua cho trẻ con, người ta thấy chúng dạy cho nhau đọc, viết, sốt sắng đến nỗi không ai cấm chúng được. Tôi nhớ rằng một ngày nọ, tôi đến chơi nhà một người bạn. Đứa con trai út, một đứa bé còn mặc váy, không chịu học đọc với mẹ nó. Tôi liền tìm cách làm cho nó xem việc học không phải là một việc bị bắt buộc. Sau khi bàn bạc với cha mẹ nó, chúng tôi trò chuyện làm như không chú ý đến nó. Chúng tôi nói rằng việc đi học là một đặc ân, là một mối lợi cho các người thừa kế, cho con trai trưởng để trở nên những nhà thông thái; rằng việc học sẽ giúp trở thành những nhà qúy tộc tài giỏi, được mọi nguời mến chuộng, rằng đối với những đứa con thứ thì việc học là một ưu đãi; rằng dạy cho chúng đọc và viết là một chuyện vượt ngoài tầm dành cho chúng; nếu chúng muốn, chúng có thể trở thành ngu dốt như những tên nhà quê vụng về, hay những tên hề. Câu chuyện này gây một ấn tượng sâu sắc đến nỗi sau đó đứa trẻ tự ý đi tìm mẹ nó để học, và chỉ ngưng làm phiền bà vú khi bà ta đã nghe nó trả bài. Tôi không nghĩ rằng người ta không thể sử dụng những phương cách khác với những đứa trẻ khác; và một khi đã biết được tính tình chúng, ta có thể gieo trong óc chúng những ý tưởng hầu làm cho chúng tự thích việc học hành, tìm xem sự học cũng như một trò tiêu khiển. Nhưng, như tôi đã nói, không bao giờ nên ép buộc việc học như là một công việc, cũng như làm phiền đứa trẻ với việc học. Người ta có thể dùng những con lúc lắc hay những đồ chơi khác trên đó có khắc chữ để cho trẻ con vừa học chữ cái vừa chơi; ta có thể bày ra vài chục lối dạy học như vậy, thích ứng với các tính tình khác nhau để làm việc học trở thành trò chơi.

Đoạn 167

...Có một lý do khác nữa để cho người thầy tránh không gây thêm khó khăn cho học trò, mà trái lại, phải giúp làm cho con đuờng học vấn dễ dàng hơn và giúp trẻ vưọt qua các chướng ngại. Trí óc trẻ con yếu kém, hẹp hòi, thường thường chỉ chứa đựng được mỗi lần một ý tưởng. Khi đứa trẻ có một ý tưởng gì trong óc thì nó hoàn toàn bị ý đó xâm chiếm, nhất là khi có sự đam mê trong đó. Sự khéo léo và nghệ thuật của  người thầy là loại bỏ mọi ý tưởng khỏi trí óc đứa trẻ trước khi dạy nó một cái gì, trí óc của nó phải được dọn dẹp trống trải để có thể thâu nhận các kiến thức mới; nếu không có điều kiện này thì kiến thức sẽ không in sâu trong đầu đứa trẻ. Trong tâm trạng tự nhiên của trẻ con, trí óc không được tập trung. Chúng thích cái gì mới, thấy cái gì mới là chúng muốn hưởng thụ ngay và cũng mau chán. Chúng chán làm một việc gì lâu dài và cảm thấy thích thú trong sự thay đổi với những điều khác nhau.  Vì thế ta đi trái với tâm trạng tự nhiên của đứa trẻ khi ta muốn cố định các ý tưởng lang bang của nó. Dù cho đó là ảnh hưởng của tâm trạng trí não hay là do sự thay đổi mau chóng và sự bất ổn định của trí óc động vật, khi mà trí tuệ chưa hoàn toàn làm chủ thì chắc chắn là thật khó khăn cho đứa trẻ phải tập trung ý tưởng của nó vào một việc. Một sự chú ý lâu dài và liên tục là một việc khó mà ta có thể đòi hỏi nơi đứa trẻ; vì vậy, nếu ta muốn trẻ chú ý đến một việc gì thì hãy cố gắng làm cho việc ấy trở nên càng thích thú càng tốt; ít nhất là thận trọng không nên gieo vào óc đứa trẻ một ý tưởng khó chịu hay đáng sợ nào. Nếu đứa trẻ không cảm thấy thích thú chút nào khi cầm cuốn sách, ta không nên ngạc nhiên thấy ý nghĩ của nó tách xa khỏi cái làm cho nó khó chịu và liên tưởng đến những điều mà trí tưởng tượng của nó khiến chúng thích thú hơn.
Sau đây là một phương pháp quen thuộc của các thầy giáo để làm cho học trò lưu ý và tập trung trí óc chúng vào những gì đang được giảng dạy; họ khiển trách và trừng phạt học trò một khi chúng không tập trung tư tưởng vào việc học. Nhưng sự đối xử như vậy đưa đến kết quả ngược lại. Lời nói thậm tệ, roi vọt làm cho đứa trẻ kinh sợ; trí óc nó bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi, và không còn chỗ cho các ý tưởng khác nữa. Tôi chắc rằng qúy vị độc giả có thể nhớ lại trí óc của mình đã bối rối như thế nào khi nghe các lời nóng nảy, đầy uy quyền của cha mẹ, với hậu qủa là không thể hiểu ai nói gì hoặc là mình nói gì nữa. Lúc đó, đứa trẻ không còn thấy vấn đề mà đáng ra chúng phải để ý đến; trí óc của đứa trẻ đầy bối rối và bị xáo trộn, và trong tình trạng đó, nó không còn có thể chú ý vào điều gì nữa.
Dĩ nhiên, cha mẹ và người thầy đặt quyền uy của mình trên sự sợ hãi, và dạy dỗ trẻ con dựa trên nguyên tắc đó: nhưng một khi đã tạo được uy thế rồi thì nên sử dụng một cách dè dặt, và tránh đừng làm cho mình trở thành những "ông kẹ"  làm trẻ con run sợ. Một sự nghiêm khắc như vậy có thể giúp công việc dạy dổ dễ dàng hơn cho cha mẹ và người thầy nhưng không giúp ích gì cho trẻ con. Chúng không thể học được gì khi mà trí óc chúng bị một xúc động mạnh làm xáo trộn, nhất là bởi sự sợ hãi; sự sợ hãi gây một ấn tượng mạnh mẽ nhất trên trí óc còn non nớt và yếu đuối của trẻ con. Hãy giữ trí óc của trẻ trong một trạng thái thoải mái, yên tĩnh, nếu ta muốn nó học những gì mà ta dạy và thâu thập những kiến thức mới. Ta không thể viết những chữ đẹp và đều đặn lên một trí óc đang run sợ cũng như là viết trên một trang giấy đang rung động.
Tài khéo lớn nhất của người thầy là biết cách gây nên và giữ sự chú ý của học trò; với sự chú ý của học trò người thầy có thể dạy thật mau tùy theo khả năng hấp thụ của đứa trẻ; [Khi học trò không chú ý, thì] dù thầy giáo có hối hả, kêu gào đến đâu chăng nữa, đứa trẻ cũng chẳng học được gì. Muốn được sự chú ý của đứa trẻ, ông ta phải làm cho nó hiểu - càng nhiều càng tốt - sự ích lợi của những điều nó học được, và làm cho nó thấy rằng nhờ có học mà nó có thể làm những điều mà trước nay nó không làm được; rằng nó đã có được những hiểu biết để giúp nó có một năng lực và hơn hẳn những kẻ còn ngu dốt. Thêm vào đó, ta phải dịu dàng trong việc dạy dỗ để tỏ cho đứa trẻ biết rằng ta yêu thương nó, rằng ta chỉ muốn sự tốt cho nó. Ấy là cách duy nhất để cho đứa trẻ tin yêu ta, làm cho nó nghe lời giảng dạy của người thầy và yêu thích những gì ông ta dạy.
Chỉ có sự bướng bỉnh ngoan cố mới cần đến sự đối xử độc đoán và cứng rắn. Ta nên sửa chữa các lỗi lầm khác một cách dịu dàng. Đối với một đứa trẻ có bản chất tốt, những lời nói dịu dàng, hấp dẫn có một hiệu quả tốt và chắc chắn hơn, cũng như  ngăn ngừa được rất nhiều tai hại mà kỷ luật độc đoán và cứng rắn có thể gây ra cho tâm hồn những đứa trẻ tốt và ngoan ngoãn. Đúng vậy, sự bướng bỉnh và các lỗi lầm cố ý phải được răn dạy, ngay cả bằng roi vọt. Nhưng tôi tin rằng sự hư hỏng của đứa trẻ nhiều khi chỉ là hậu qủa của sự khắc nghiệt của người thầy; và rằng phần đông trẻ con không đáng bị đánh, chỉ vì sự nghiêm khắc không cần thiết và hình phạt áp dụng không đúng chỗ của thầy giáo đã khiến cho chúng nghĩ xấu và ghét người thầy cùng với tất cả những gì liên quan  đến ông ta.
Sự sơ xuất, tính hay quên, sự nhẹ dạ và tính hay thay đổi ý kiến, đấy là những lỗi lầm tự nhìên của tuổi trẻ. Vậy thì khi trẻ con không có ý phạm lỗi, ta chỉ nên đề cập đến một cách dịu dàng và để cho thời gian sửa chữa các lỗi đó. Nếu mỗi lỗi lầm trong các loại nói trên làm cho ta nổi giận và trừng phạt thì các cơ hội để trừng phạt và la rầy sẽ xảy ra nhiều đến nỗi cha mẹ hay người thầy sẽ là một đối tượng làm cho đứa trẻ kinh hãi và khó chịu; và sự kiện này đủ để làm cho nó không thu thập được các bài học và vô hiệu hóa tất cả sự dạy dỗ.
Vậy thì người thầy phải làm cho học trò biết nể sợ bằng những cử chỉ, lời nói đầy yêu thương, tốt lành để cho tình thương thúc đẩy chúng làm tròn bổn phận và giúp cho chúng được thoải mái để tuân lời ông ta. Ta sẽ thấy chúng vui vẻ đến với thầy; chúng sẽ nghe lời thầy như nghe một người bạn đang bỏ công sức để làm tốt cho chúng; tất cả thời gian mà chúng ở với thầy, tâm trí chúng thảnh thơi và yên tĩnh: một tâm trạng thiết yếu để thu thập những kiến thức mới, và để thu nhận những ấn tượng mạnh mẽ lâu dài; không có những ấn tượng này, tất cả những gì thầy trò làm sẽ là công cốc; cả hai đều đã tốn nhiều công sức mà chẳng đạt được tí gì.

Đoạn 177

Nhưng cha mẹ nên giao con cái mình cho ai dạy dỗ trong tuổi ấu thơ của chúng? Đây là một điều chắc chắn. Người thầy phải là người xem việc học tiếng La-tinh hay ngôn ngữ là thứ yếu trong việc giáo dục con trẻ; là người biết rằng đức hạnh và tâm tính tốt còn quan trọng hơn bất kỳ môn học nào và xem việc rèn luyện đức tính là nhiệm vụ chính của giáo dục: khi đã có được đức tính, dù các môn học khác có bị xao nhãng đi chăng nữa, cuối cùng, người học sinh ấy cũng sẽ bù lại được; còn nếu mà không rèn luyện được đức tính, để tránh những thói hư, tật xấu, thì những môn ngôn ngữ hay khoa học hay bằng cấp nọ kia cũng chẳng ích gì, vì nó có thể tạo nên một con người xấu xa hay nguy hiểm hơn cho xã hội.
Đoạn 217
Tuy rằng bây giờ tôi đến phần cuối của các nhận xét về giáo dục, tôi không muốn để lại cảm tưởng rằng đây là một luận án về đề tài này. Có hàng ngàn việc khác mà ta cần phải lưu ý đến, nhất là nếu ta muốn cứu xét đến các loại tính tình, các khuynh hướng khác nhau, các tật xấu đặc thù mà ta thấy nơi đứa trẻ để tìm những liều thuốc thích ứng. Đề tài này đa dạng đến nỗi phải cần đến cả một cuốn sách, có khi vẫn còn không đủ. Mỗi con người có những tính tình riêng biệt; các tính tình này cùng với những nét của diện mạo làm người này khác với người kia; và không thể nào có hai đứa trẻ mà ta có thể dạy dỗ bằng cùng một phương pháp. Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng một vị hoàng tử, một nhà quý tôc và một người thường dân phải được giáo dục khác nhau. Nhưng tôi chỉ muốn trình bày trong cuốn sách này một vài nhận xét tổng quát liên hệ đến mục tiêu chính của giáo dục. Ngoài ra, các nhận xét này nhằm đến con một nhà quý tộc bạn của tôi; về tuổi tác của nó, tôi xem đó như là một trang giấy trắng hay là một miếng sáp mà tôi có thể uốn nắn theo ý mình. Vậy nên tôi chỉ đề cập đến những điểm thiết yếu, đến những gì mà tôi xem như cần thiết cho việc giáo dục một đứa trẻ trong các điều kiện ấy. Và bây giờ tôi cho công bố những ý tưởng mà tôi có mỗi khi tôi suy nghĩ đến vấn đề giáo dục, tuy rằng đây không phải là một luận án đầy đủ về đề tài này. Tôi không nghĩ rằng mỗi người sẽ tìm ra trong đó những cái gì thật thích hợp cho con cái mình, nhưng tôi hy vọng rằng các suy nghĩ của tôi có thể đem đến vài ánh sáng nhỏ nhoi cho tất cả những ai ưu ái đến con cái mình. Và trong việc giáo dục con cái, họ sẽ xét hỏi lý trí của chính họ thay vì hoàn toàn dựa vào những phương pháp giáo dục lỗi thời.
John Locke
© Học Viện Công Dân 2008


0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger