Monday, December 22, 2014

Tr. Tướng QLVNCH Đặng Văn Quang

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đặng Văn Quang (sinh 1929 – mất ngày 15 tháng 7 năm 2011) là một Trung tướng trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ trong những năm 1954–1966. Ông được đánh giá là người có quyền lực thứ tư, sau Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện KhiêmĐại tướng, Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, tại Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn 1967-1975. Ông từng bị giới báo chí trong và ngoài nước đăng tin là người đứng đầu về tham nhũng và buôn lậu tại Việt Nam thời Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, những lời cáo buộc như vậy sau này được chứng minh là sai sự thật.[1]

Thân thế và bước đầu binh nghiệp

Ông sinh ngày 21 tháng 6 năm 1929, trong một gia đình Công giáo tại xã Khánh Hưng, quận Châu Thành - Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (Ba Xuyên). Lúc nhỏ, do có điều kiện gia đình, ông theo học tiểu học ở trường La San Sóc Trăng. Lên đến Trung học, ông học hết trung học ở trường Taberd.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông tham gia lực lượng Quân đội Pháp tại Đông Dương. Do có trình độ học vấn, nên ông được tuyển vào khóa đào tạo sĩ quan đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam (còn gọi là Khóa 1 Đập Đá, hay Khóa Quốc trưởng Bảo Đại) năm 1948 tại Huế. Ông nằm trong nhóm 10 sĩ quan đỗ đầu nên được đặc cách phòng quân hàm Thiếu úy và được cử đi học tiếp 1 năm tại trường Sĩ quan Bộ binh (École d’Application d’Infanterie) ở Coetquidan, Bretagne, Pháp.[2]. Chính trong lớp 10 sĩ quan này, ông đã làm quen với người bạn Nguyễn Văn Thiệu, khởi đầu mối quan hệ thân thiết giữa hai người về sau này.
Năm 1950, ông về nước và phục vụ ở Cần Thơ, Sóc Trăng với cấp bậc Trung úy, rồi Đại úy. Năm 1953, ông được đề bạt lên Thiếu tá và làm Tiểu đoàn trưởng 1 Tiểu đoàn 5 Bộ binh phòng giữ trục lộ đường sắt từ Phủ Lý đến Nam Định.

Phục vụ chế độ Đệ nhất Cộng hòa

Năm 1954, ông theo lực lượng Quốc gia Việt Nam vào Nam Việt Nam. Năm 1955, ông tham gia Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Do là người Công giáo, lại là sĩ quan được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm chỉ huy, năm 1956, ông được Tổng thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Quân khu II ở Tây Nguyên với hàm Trung tá. Năm 1957, ông được cử đi học tại trường Chỉ huy và Tham mưu ở Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ.
Năm 1958, ông về nước và được rút về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Lực lượng Bảo an và Dân vệ với cấp bậc Đại tá. Năm 1961, ông được cử đi học và tốt nghiệp khóa Điều hành Tiếp vận Lục quân tại Fort Lee, Virginia, Hoa Kỳ. Về nước đầu năm 1962, ông giữ chức Trưởng phòng 4 Bộ Tổng tham mưu, nhưng không lâu sau, do vụ đánh bom Dinh Độc Lập của 2 phi công Nguyễn Văn CửPhạm Phú Quốc, ông bị điều đi làm Tham mưu trưởng Quân khu I tại Đà Nẵng. Mãi đến giữa năm 1963, ông mới được rút về lại Bộ Tổng tham mưu giữ chức Trưởng phòng Huấn luyện.

Lên tướng thời "Loạn tướng"

Trong cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Diệm năm 1963, Đại tá Quang không năm trong nhóm tham gia đảo chính, vì vậy ông không được xét thăng cấp như hai người bạn cũ là Nguyễn Văn ThiệuNguyễn Hữu Có (được thăng Thiếu tướng). Tuy nhiên, sau đảo chính, nhờ mối quan hệ thân tình với 2 người bạn này, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội, được cử giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh, thay cho Đại tá Cao Hảo Hớn.
Không hài lòng với quyền lãnh đạo của "Nhóm tướng già" do các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn KimMai Hữu Xuân cầm đầu, ông gia nhập nhóm sĩ quan ủng hộ tướng Nguyễn Khánh thực hiện cuộc "Chỉnh lý" vào tháng 1 năm 1964. Chính vì vậy, ông cùng một số đại tá khác được tướng Nguyễn Khánh phong cấp bậc Chuẩn tướng vừa được đặt ra tại Bạch DinhVũng Tàu năm 1964[3]. Cuối năm 1964, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Vùng IV.
Nhận thấy uy tín của tướng Khánh trong dân chúng và quân đội xuống thấp, ông tham gia "Nhóm tướng trẻ" do tướng Nguyễn Cao Kỳ và người bạn cũng Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu. Ngày 19 tháng 2 năm 1965, đã nổ ra cuộc đảo chính do tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo cầm đầu. "Nhóm tướng trẻ" nhanh chóng tập hợp lượng lượng ngăn chặn đảo chính nhưng cũng đồng thời phế truất quyền lực của tướng Khánh chỉ 2 ngày sau đó. Ngày 25 tháng 2 năm 1965, tướng Nguyễn Khánh phải nhận chức đại sứ lưu động ở nước ngoài. Nhờ công trạng này, ông được thăng Thiếu tướng. Cuối năm đó, ông tiếp tục được thăng cấp Trung tướng[4].
Tuy nhiên, sau khi tướng Nguyễn Cao Kỳ đã lên nắm quyền, nhân xảy ra vụ "Biến động Miền Trung" tháng 3 năm 1966, tướng Kỳ đã nhân cơ hội gạt các tướng lĩnh không thuộc nhóm mình ra khỏi những vị trí chủ chốt. Ngày 14 tháng 7 năm 1966, các tướng Tôn Thất Đính và Nguyễn Chánh Thi bị Hội đồng Tướng lãnh đưa ra xét xử. Đến tháng 11 năm 1966, đến phiên tướng Đặng Văn Quang bị hất khỏi chức vụ chỉ huy trong quân đội[5]. Đầu năm sau, nhân vật thứ 3 của chính quyền là tướng Nguyễn Hữu Có cũng bị đẩy đi làm Đại sứ lưu động.

Một trong những nhân vật quyền lực Đệ nhị Cộng hòa

Tuy bị tướng Kỳ gạt ra khỏi quân đội, nhưng nhờ sự bảo lãnh của người bạn cũ Nguyễn Văn Thiệu, ông vẫn không bị đẩy ra nước ngoài mà bị "hất lên" chức vụ Tổng ủy viên Kế hoạch trong Ủy ban Hành pháp Trung ương (hay chính phủ của tướng Kỳ). Sau khi Nguyễn Văn Thiệu nhậm chức Tổng Thống, ông được cừ vào chức vụ Cố vấn Tổng thống về Quân sự, Phụ tá An ninh và Tình báo Quốc gia, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia. Với những chức vụ này, ông trở thành người có quyền lực thứ tư trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Bị tai tiếng và được giải oan

Trong thời Chiến tranh Việt Nam có nhiều lời đồn đại rằng ông là người tham nhũng và buôn lậu bạch phiến. Các cáo buộc như thế cũng được nhà báo Mỹ Alfred W. McCoy kể trong tác phẩm của mình, "The Politics of Heroin in Southeast Asia". Sau này, báo chí Việt Nam cũng nêu danh ông là một người tham nhũng nhất chính quyền miền Nam trước năm 1975.[6].
Sau khi di tản khỏi Việt Nam, ông được đưa vào trại tập trung người tỵ nạn ở tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ. Vì lo sợ cho số mạng của mình trong trại nên ông rời trại này và sang Canada. Ở đây, ông lại bị chính phủ Canada ra lệnh trục xuất ông với lý do dựa vào những lời đồn xấu về ông. Cả Hoa Kỳ và Canada cũng như các nước khác đều từ chối cho ông định cư, ngoại trừ chính phủ Việt Nam chấp thuận nhận lại ông nhưng không bảo đảm với chính phủ Canada rằng ông sẽ không bị xử tử nếu bị cưỡng bách hồi hương.[7]
Mãi cho đến năm 1988, cựu trung tá lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ là Dan Marvin, từng phục vụ tại Quân đoàn mà tướng Quang làm tư lệnh, biết được việc chính phủ Hoa Kỳ không cho phép ông vào Mỹ nên đã vận động để trả lại công bằng và danh dự cho ông.[8]
Trong "Drugs, Corruption, and Justice in Vietnam and Afghanistan ... A Cautionary Tale", được đăng trên Hệ thống Tin tức Lịch sử của Đại học George Mason, Merle L. Pribbenow cho rằng:
"Trong cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970s, những tin đồn bắt đầu lan nhanh tại Sài Gòn cho rằng tướng Quang là một trong những kẽ buôn lậu bạch phiến hàng đầu tại Nam Việt Nam; rằng ông là một nhân viên có trả lương của CIA; và rằng ông là người thu nhận tiền tham nhũng của Nguyễn Văn Thiệu. Những tin đồn này, nhiều tin do các đối thủ chính trị của tổng thống Thiệu tung ra (trong đó có cả những người thân tín của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ), được giới truyền thông Việt Mỹ đón bắt và phát tán sâu rộng. Ngoài việc được tường thuật trên báo chí và hệ thống truyền hình Mỹ, những lời cáo buộc này cũng còn được ghi lại khá ly kỳ trong một cuốn sách có tựa đề là "The Politics of Heroin in Southeast Asia...."[7]
Cũng theo tác giả ở trên, tướng Quang sống trong nghèo túng tại Canada và Hoa Kỳ, làm những công việc tay chân như quét dọn, rửa chén và sắp xếp hành lý ở phi trường, ngược hẳn lại những gì đã được đồn thổi rằng ông có trương mục ngân hàng ở Thụy Sĩ để cất giấu tiền tham nhũng và buôn lậu. Điều này chứng tỏ rằng những lời cáo buộc trước kia là hoàn toàn sai sự thật. Ngoài ra, các báo cáo của CIA được giải mật sau này cũng đã giúp chính phủ Hoa Kỳ loại ông ra khỏi danh sách những nhân vật bị tình nghi có liên quan đến bạch phiến. Sau cùng chính phủ Hoa Kỳ cấp visa cho ông trở về Hoa Kỳ. Ông qua đời tại thành phố Sacramento, California ngày 15 tháng 07 năm 2011.

Tham khảo

  • The Politics of Heroin in Southeast Asia. Alfred W. McCoy
  • The Hidden History of the Vietnam War. John Prados
  • The Trial of General Dang – From Saigon to Sacramento, a South Vietnamese General’s Journey Proves Old Soldiers Don’t Fade Away, They Stick Together. R.V. Scheide
  • Expendable Elite – One Soldier’s Journey Into Covert Warfare, 2003. Daniel Marvin.
  • Drugs, Corruption, and Justice in Vietnam and Afghanistan: A Cautionary Tale, 2009. Merle L. Pribbenow
  • Việt Nam Nhân Chứng, 1989. Trần Văn Đôn
  • Bí ẩn về Trung tướng Đặng Văn Quang, 2008. Trần Văn Ngà

Chú thích

  1. ^ R.V. Scheide (4 tháng 12 năm 2008). “Cuộc xử án tướng Đặng”. Newsreview.com.
  2. ^ Trong đợt 10 sĩ quan này, ngoài thủ khoa là Thiếu úy Nguyễn Hữu Có, còn có các Thiếu úy Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang, Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Chuân... Hầu hết về sau đều lên cấp tướng.
  3. ^ Cùng đợt phong cấp Chuẩn tướng này có Nguyễn Cao Kỳ, Vĩnh Lộc, Nguyễn Bảo Trị, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Xuân Trang, Hoàng Xuân Lãm, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Văn Kiểm...
  4. ^ Cùng đợt phong cấp Trung tướng này có Cao Văn Viên, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Chánh Thi...
  5. ^ Theo tướng Nguyễn Cao Kỳ thì tướng Quang bị cách chức vì các cáo buộc tội buôn lậu. Một số tài liệu cho rằng nguyên do là tướng Quang thường xuyên không thực hiện mệnh lệnh của chính phủ tướng Kỳ.
  6. ^ Tướng Quang của chế độ Sài Gòn: Cây tham nhũng
  7. ^ a ă Merle L. Pribbenow (4 tháng 12 năm 2008). “Thuốc phiện, Tham nhũng, và Công lý tại Việt Nam và Afghanistan ... Một câu chuyện cẩn trọng.”. Hệ thống Tin tức Lịch sử của Đại học George Mason.
  8. ^ Bùi Văn Phú (Jul 21, 20011). “Đời bi kịch của một vị tướng VNCH”. BBC tiếng Việt.

Liên kết ngoài

0 comments:

Post a Comment

 
Powered by Blogger